Trang Thông tin điện tử

Huyện Kim Sơn

Thứ sáu, 29/03/2024

Chào mừng bạn đến với Trang thông tin điện tử huyện Kim Sơn

Kim Sơn chủ động các biện pháp phòng chống bệnh sốt xuất huyết

Thứ tư, 06/07/2022 417 lượt xem

Hiện nay đang là cao điểm của dịch sốt xuất huyết (SXH), số ca mắc gia tăng mạnh tại Khu vực phía Nam và bắt đầu tăng tại miền Bắc. Trên địa bàn huyện đã có 2 ca mắc sốt xuất huyết ngoại tỉnh. Nhằm ngăn chặn không để dịch bệnh bùng phát, huyện Kim Sơn đã thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch, đặc biệt là công tác tuyên truyền, vận động người dân. Đến nay, Kim Sơn đang kiểm soát cơ bản dịch bệnh truyền nhiễm này.

 

Quang Thiện là 1 trong 2 địa phương trên địa bàn huyện có ca mắc sốt xuất huyết ngoại tỉnh. Ngay sau khi trên địa bàn xã có trường hợp mắc sốt xuất huyết, chính quyền địa phương đã phối hợp với các đơn vị chức năng khẩn trương khoanh vùng, dập dịch bằng cách tiến hành phun khử khuẩn. Tổ chức giám sát, nhắc nhở, hướng dẫn người dân phát quang bụi rậm, những biện pháp diệt loăng quăng, bọ gậy; kiểm tra và xử lý các dụng cụ chứa nước là nơi muỗi sinh sản, tiềm ẩn nguy cơ lây truyền bệnh. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền về dấu hiệu nhận biết bệnh sốt xuất huyết, các biện pháp phòng tránh.

 

Theo thông tin từ TTYT huyện, tính từ đầu năm đến ngày 30/6/2022, trên địa bàn huyện ghi nhận 2 trường mắc sốt xuất huyết ngoại tỉnh tại các xã: Yên Lộc và Quang Thiện. Đến nay, Yên Lộc qua 14 ngày và xã Quang Thiện qua 13 ngày chưa phát hiện ca mắc mới.

 

Theo chu kỳ cứ 5 – 6 năm sẽ có 1 đợt bùng phát dịch SXH, ở nước ta đợt bùng phát dịch SXH gần đây nhất là vào năm 2017. Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có thể gây thành dịch do vi rút Dengue gây ra. Bệnh lây lan do muỗi vằn đốt người bệnh nhiễm vi rút sau đó truyền bệnh cho người lành qua vết đốt. Muỗi đốt vào ban ngày từ 5-8h sáng và buổi chiều tối. Bệnh thường khởi phát đột ngột và diễn biến qua ba giai đoạn: giai đoạn sốt, giai đoạn nguy hiểm và giai đoạn hồi phục. Biểu hiện của bệnh là sốt cao đột ngột, liên tục từ 2 - 7 ngày và có thể có các dấu hiệu đó là: có chấm/mảng xuất huyết ở dưới da, chảy máu chân răng hoặc chảy máu cam. Nhức đầu, chán ăn, buồn nôn, nôn. Da xung huyết, phát ban. Đau cơ, đau khớp, nhức hai hố mắt. Bệnh nhân chuyển nặng khi có thêm các dấu hiệu như: Vật vã, lừ đừ, li bì. Đau bụng vùng gan. Xuất huyết niêm mạc, xuất huyết não, suy đa tạng. Cần phát hiện sớm các dấu hiệu chuyển nặng để điều trị kịp thời, tránh tử vong.

 

Đến nay, bệnh sốt xuất huyết chưa có vắc xin phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, biện pháp phòng bệnh chủ yếu và hiệu quả nhất là diệt muỗi, diệt lăng quăng/bọ gậy và phòng muỗi đốt. Trước diễn biến phức tạp, khó lường của dịch sốt xuất huyết hiện nay với số ca mắc gia tăng mạnh tại khu vực phía Nam và bắt đầu tăng tại miền Bắc. Cùng với đó là tình hình thời tiết nắng nóng kèm theo mưa nhiều là điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của muỗi truyền bệnh SHX làm tăng nguy cơ bùng phát dịch bệnh. Huyện Kim Sơn đã chỉ đạo ngành chuyên môn tăng cường phối hợp với các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền thực hiện các biện pháp phòng chống SXH.

 

Theo đó, các địa phương, các ngành chức năng tăng cường tuyên truyền đẩy mạnh công tác vệ sinh môi trường, phát quang bụi rậm. Đồng thời, kiểm tra, phát hiện và diệt lăng quăng trong các dụng cụ chứa nước sinh hoạt bằng cách thường xuyên thau rửa, đậy nắp kín bể và các vật dụng chứa nước, thả cá để tiêu diệt lăng quăng, bọ gậy. Thường xuyên thay nước ở các lọ hoa, thả muối hoặc hóa chất diệt bọ gậy vào bát nước kê chân chạn, bể cảnh, hòn non bộ, khay nước thải tủ lạnh…Loại bỏ các vật liệu phế thải, hốc nước tự nhiên, lật úp các vật dụng có thể chứa nước không sử dụng để không cho muỗi đẻ trứng. Ngủ màn phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày, mặc quần áo dài tay, dùng bình xịt muỗi, hương muỗi, kem xua muỗi, vợt điện muỗi…để diệt muỗi và phòng muỗi đốt. Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các chiến dịch diệt bọ gậy/lăng quăng và các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch. Bên cạnh đó, ngành y tế cũng khuyến cáo các tầng lớp nhân dân thường xuyên luyện tập thể dục, bổ sung dinh dưỡng đầy đủ, hợp lý để nâng cao sức đề kháng. Khi các thành viên trong gia đình có người ho, sốt cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn, không tự ý hạ sốt và chữa bệnh tại nhà.

 

Sốt xuất huyết Dengue là một trong những bệnh do muỗi truyền có tốc độ lây lan nhanh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Đến nay phòng bệnh SXH chủ yếu vẫn là diệt muỗi và diệt lăng quăng, bọ gậy. Để phòng chống sốt xuất huyết hiệu quả cùng với sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của cấp ủy, chính quyền, mỗi người dân cần nâng cao ý thức trong việc thực hiện các biện pháp phòng bệnh SXH ngay tại hộ gia đình theo đúng hướng dẫn của ngành chuyên môn.

 

Minh Hằng

 

 

 

Một cửa điện tử
Văn bản điện tử
Bình chọn

Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?

Thống kê truy cập

Lượt truy cập: 1352122

Trực tuyến: 54

Hôm nay: 1314