Trang Thông tin điện tử

Huyện Kim Sơn

Thứ hai, 07/04/2025

Chào mừng bạn đến với Trang thông tin điện tử huyện Kim Sơn

Kim Sơn 196 năm mở đất

Chủ nhật, 06/04/2025 34 lượt xem
  • Đánh giá cho bài viết:
  • 0 điểm ( 0 đánh giá )

Nằm ở giữa 2 con sông: Sông Càn và sông Đáy, mảnh đất Kim Sơn nay đã trở thành biểu tượng của người nông dân trong cuộc đấu tranh sinh tồn, chinh phục thiên nhiên, nhiều lần chặn sóng dữ, biển lớn, đẩy lùi biển cả ra xa kéo trời xanh lại gần, biến vùng hoang vu lau sậy thành mảnh đất trù phú tươi đẹp như ngày hôm nay.

Đền thờ Nguyễn Công Trứ tại xã Quang Thiện được Bộ Văn hoá - Thể thao & Du lịch công nhận là Di tích lịch sử văn hoá cấp quốc gia ngày 22 tháng 01 năm 1992.

Trước năm 1828, nơi đây còn là một bãi biển hoang vu đầy lau sậy và sú vẹt. Xuất phát từ lòng thương dân, "Khẩn hoang để yên nghiệp dân nghèo". Với tầm nhìn của nhà kinh tế lỗi lạc, sau thành công cuộc khẩn hoang vùng đất Tiền Hải (Thái Bình) vào cuối năm 1828. Nhà Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ cùng các vị chiêu mộ, bán phụ chiêu mộ, nguyên mộ 1.260 dân đinh đo đạc, tiến hành cuộc khẩn hoang, lấn biển, mở ra vùng đất phù sa màu mỡ với hơn 14.600 mẫu đất.

Sau khi Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ hoàn thành công cuộc khẩn hoang ngày Bính Thân, tiết Thanh minh, tháng Ba năm Kỷ Sửu, năm Minh Mệnh thứ 10 (1829), tức ngày 05/4/1829, huyện Kim Sơn được Triều đình nhà Nguyễn cho thành lập với 3 lý, 22 ấp, 24 trại và 4 giáp, chia làm 5 tổng; huyện lỵ đặt ở làng Quy Hậu, xã Hùng Tiến ngày nay. Và huyện Kim Sơn – có nghĩa là núi vàng được hình thành bắt đầu từ đó cho đến nay với lịch sử 196 năm xây dựng và phát triển.

Trong gian nan vất vả của công cuộc chinh phục thiên nhiên khắc nghiệt và chiến đấu bảo vệ cuộc sống phải đánh đổi bằng mồ hôi, xương máu và nước mắt của các thế hệ cha ông. Trải qua 9 lần quai đê lấn biển với khẩu hiệu “Luá lấn cói, cói lấn sú vẹt, sú vẹt lấn biển” cùng với lượng phù sa từ thượng nguồn bồi đắp đã đưa diện tích tự nhiên của huyện Kim Sơn đến nay lên trên 230 km2, gấp 4 lần so với diện tích ngày đầu mới thành lập. Nhờ có lượng phù sa mà hàng năm Kim Sơn được bồi ra biển từ 80 - 100m. Cứ thế, sóng biển nhường chỗ cho đất bồi, lấn mãi, lấn mãi ra biển Đông rồi hình thành những ngôi làng cũng mang cái tên thật đẹp: Trì Chính, Hướng Đạo, Phát Diệm, Chất Thành... Cho đến ngày hôm nay đã hình thành 23 đơn vị hành chính, trong đó có 21 xã, 2 thị trấn. Thị trấn Phát Diệm được chọn là trung tâm kinh tế, chính trị của huyện.

Đất bồi thêm mở rộng, lòng người cũng rộng mở dang tay đón chào những người con ở khắp nơi về đây lập nghiệp để rồi lại tiếp tục khai phá, mở đất, lập làng trên mảnh đất trù phú tươi đẹp này. 196 năm cùng với những biến đổi thăng trầm của đất nước, dưới chế độ thực dân phong kiến, trong kháng chiến kiến quốc hay trong thời kỳ xây dựng bảo vệ Tổ quốc, nhân dân Kim Sơn luôn phát huy truyền thống cách mạng, vượt qua khó khăn thử thách, nêu cao tinh thần yêu nước, ý chí quật cường, không sợ hy sinh gian khổ, bảo vệ đến cùng mảnh đất mà cha ông đã đổ mồ hôi, công sức tạo dựng lên. Trong lịch sử đấu tranh giành độc lập dân tộc, các thế hệ người dân Kim Sơn một lòng một dạ đi theo Đảng, theo Bác Hồ làm cách mạng. Dưới ánh sáng của Đảng cộng sản Việt Nam, nhân dân Kim Sơn kiên cường đấu tranh anh dũng, giành nhiều chiến công hiển hách, giải phóng hoàn toàn huyện Kim Sơn vào ngày 30/6/1954.

Là nơi hội tụ của nhiều người trên nhiều miền quê, người dân Kim Sơn với lối sống phóng khoáng, hiếu khách, năng động, sáng tạo, khai thác có hiệu quả tiềm năng thế mạnh của địa phương mà thiên nhiên đã ban tặng. Cho đến nay, sản xuất nông nghiệp phát triển theo hướng hữu cơ, là huyện luôn dẫn đầu của tỉnh về năng suất lúa, bình quân hàng năm đạt 120 tạ/ha. Nuôi trồng và khai thác thủy sản bước đầu trở thành ngành kinh tế mũi nhọn với trên 10.000 ha vùng bãi bồi ven biển, sản lượng thủy sản hàng năm luôn đạt trên 36.000 tấn, đã xây dựng được thương hiệu “ Ngao Kim Sơn”; đặc biệt diện tích nuôi trồng thuỷ sản ứng dụng công nghệ cao tăng lên; huyện đã triển khai thực hiện nghị quyết của Tỉnh uỷ về phát triển bền vững kinh tế biển; các quy hoạch lớn định hướng không gian phát triển, tạo tiền đề xây dựng, thu hút đầu tư. Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ, thương mại phục hồi và tăng trưởng; công tác xúc tiến đầu tư được quan tâm.

Nuôi trồng thuỷ sản là ngành kinh tế mũi nhọn đã giúp nông dân Kim Sơn làm giàu trên vùng bãi bồi ven biển.

Đến nay, toàn huyện có 25 làng nghề được UBND tỉnh Ninh Bình công nhận Làng nghề truyền thống. Cụm công nghiệp Đồng Hướng từng bước được đầu tư mở rộng với 8 doanh nghiệp đang hoạt động, tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn lao động để nhân dân Ly nông không phải ly hương.

Các hoạt động văn hoá, thông tin, truyền thanh, thể dục thể thao phát triển mạnh mẽ, từng bước đáp ứng nhu cầu hưởng thụ của nhân dân. Công tác chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ cho nhân dân được quan tâm. Phong trào hiến tặng giác mạc được đông đảo nhân dân, nhất là đồng bào Công giáo tham gia, là địa phương đi đầu trong cả nước về phong trào hiến tặng giác mạc được Nhà nước, Chính phủ, Bộ Y tế ghi nhận và biểu dương. Công tác an sinh xã hội, các chính sách đối với người có công được quan tâm đúng mức.

Bộ mặt nông thôn được thay da đổi thịt, công tác vệ sinh môi trường, phong trào “Ngày Thứ Bảy xanh, ngày Chủ Nhật sạch” được đông đảo nhân dân hưởng ứng, góp phần bảo vệ môi trường xanh – sạch – đẹp. Đáng chú ý là hơn 10 năm qua, phong trào xây dựng Nông thôn mới đã huy động được sự đóng góp từ nhân dân hơn 130 tỷ đồng, trên 100 nghìn ngày công lao động, hiến trên 89 ha đất, cải tạo vườn ao để làm đường giao thông, xây dựng nhà văn hóa, khu vui chơi thể thao…v.v. Huyện đạt chuẩn Nông thôn mới năm 2022 theo Bộ tiêu chí Quốc gia về huyện Nông thôn mới giai đoạn 2021-2025. Trong số 21 xã được công nhận đạt chuẩn Nông thôn mới đã có 2 xã được công nhận đạt chuẩn Nông thôn mới kiểu mẫu, 12 xã được công nhận đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao; 91/277 thôn, xóm đạt chuẩn Khu dân cư Nông thôn mới kiểu mẫu. 

Huyện thực hiện xong việc sắp xếp các đơn vị hành chính; trong đó sáp nhập xã Kim Hải vào Thị trấn Bình Minh, xã Lưu Phương vào Thị trấn Phát Diệm, các đơn vị hành chính mới đi vào hoạt động từ 01/01/2025. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên. Thu nhập bình quân đầu người đạt 68,5 triệu đồng.

Trụ sở làm việc các cơ quan cấp huyện được xây dựng khang trang.

196 năm, các thế hệ người dân Kim Sơn theo chân cụ Nguyễn Công Trứ từ các miền về hội tụ, khai hoang, lập nghiệp. Cả một vùng bãi bồi rộng lớn năm 1829 đang chờ đón bàn tay khai phá của con người thì ngày hôm nay, trên vùng đất này, Kim Sơn - nơi sinh sống của hơn 190 nghìn dân đã thật sự đổi thay từng ngày, tất cả như khoác trên mình chiếc áo đẹp trong một mùa xuân mới. Dù ở bất kỳ giai đoạn lịch sử nào thì người dân Kim Sơn vẫn luôn biết ơn và trân quý công lao to lớn của Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ cùng các vị tiền nhân khi xưa đã đặt chân đến vùng đất hứa và nguyện ra sức rèn luyện, học tập, lao động sản xuất, gìn giữ những tinh hoa mà cha ông để lại. 

Bùi Lan

Góp ý của nhân dân
Một cửa điện tử
Văn bản điện tử
Bình chọn

Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?

Văn bản mới
Xem thêm
Thống kê truy cập

Lượt truy cập: 2410662

Trực tuyến: 27

Hôm nay: 415