Trang Thông tin điện tử

Huyện Kim Sơn

Thứ năm, 21/11/2024

Chào mừng bạn đến với Trang thông tin điện tử huyện Kim Sơn

Kim Sơn 190 năm – vùng đất mở

Thứ tư, 06/03/2019 3013 lượt xem
  • Đánh giá cho bài viết:
  • 0 điểm ( 0 đánh giá )

Kỷ niệm 190 năm thành lập huyện, 65 năm giải phóng huyện Kim Sơn là dịp để mỗi người dân Kim Sơn thể hiện tình cảm và đạo lý uống nước nhớ nguồn đối với các thế hệ cha ông đã có công mở đất, lập huyện, chiến đấu bền bỉ và ngoan cường để bảo vệ và xây dựng quê hương. Đây cũng là dịp để mỗi chúng ta hiểu rõ hơn về lịch sử, con người, vùng đất Kim Sơn, từ đó kế thừa và phát huy truyền thống tốt đẹp của quê hương, với quyết tâm và nỗ lực cao hơn, phấn đấu xây dựng Kim Sơn ngày càng giàu, đẹp, văn minh. Ghi nhận ý kiến của cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn huyện.

 

Việc quai đê lấn biển đã hình thành đơn vị hành chính mới

 

Huyện Kim Sơn được thành lập 05/4/1829 do nhà Dinh Điền sứ uy viễn Tướng công Nguyễn Công Trứ khởi xướng và lãnh đạo. Sau lần khẩn hoang với quy mô lớn của Dinh điền sứ Nguyễn Công Trứ, nhân dân Kim Sơn lại tiếp tục công cuộc quai đê lấn biển, mở rộng đất canh tác. Từ năm 1829 đến năm 2000, lịch sử ghi nhận các thế hệ người Kim Sơn đã 9 lần quai đê lấn biển, sau mỗi lần quai đê lấn biển thì diện tích, dân cư, đơn vị hành chính, kinh tế, xã hội của huyện ngày càng được mở rộng và phát triển, kết quả của những lần phù sa lấn sóng biển đã hình thành những đơn vị hành chính mới. Ngày 01/4/1998 xã Kim Đông là xã cuối cùng được thành lập chính từ thành quả của việc quai đê lấn biển, trực tiếp là việc quai đê Bình Minh II. Vùng đất ven biển đầy tiềm năng đã thu hút nhân dân từ 24 huyện thuộc 13 tỉnh trong cả nước đến sinh sống và lập nghiệp. Hai thập kỷ qua kể từ ngày thành lập xã Kim Đông, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền, sự năng động của nhân dân, những tiềm năng, thế mạnh của địa phương đã được khai thác, từ vùng đồng đất ngập mặn trồng lúa, trồng cói kém năng suất, chỉ sản xuất 1 vụ với thu nhập 10 triệu đồng/ha/năm, với sự năng động của nhân dân trong sản xuất, nhân dân Kim Đông chuyển đổi vùng đất mặn thành vùng chuyên canh nuôi trồng thủy sản với diện tích 431 ha, giá trị sản xuất trên 1 ha đất canh tác đạt 133 triệu đồng/ha/năm. Bên cạnh đó, ngành tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ thương mại phát triển ổn định, đáp ứng nhu cầu sản xuất của nhân dân. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội được quan tâm phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được cải thiện và nâng cao với thu nhập bình quân 32 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 4,23%. Năm 2014, Kim Đông là xã đầu tiên của huyện đạt chuẩn xã Nông thôn mới.

 

Đồng chí Trần Đức Thuận – Chủ tịch UBND xã Kim Đông

 

Hệ thống sông ngòi dày đặc, phù sa màu mỡ thuận lợi cho phát triển nông nghiệp

 

Kim Sơn là huyện đồng bằng ven biển duy nhất của tỉnh Ninh Bình, địa hình của huyện tương đối bằng phẳng, được chia làm 2 vùng là đồng bằng và ven biển, nơi đây có hệ thống sông ngòi dày đặc, có 3 con sông lớn là sông Đáy, sông Càn, sông Vạc. Ngoài ra, còn có các con sông khác như; sông Yêm, sông Ân. Với tầm nhìn chiến lược khi khai hoang, lập ấp ở Kim Sơn, nhà Dinh điền sứ uy viễn Tướng công Nguyễn Công Trứ đã cho đào đắp hệ thống sông nhánh cũng là ranh giới giữa các xã, các thôn, làng tạo nên đồng đất Kim Sơn hình chữ “tỉnh”. Tổng chiều dài các con sông lớn, sông nhỏ tới hơn 100km và các con sông này đều chịu ảnh hưởng của thủy triều, tạo nên sự lắng đọng phù sa rất lớn, chất đất phì nhiêu màu mỡ, rất thuận lợi cho sản xuất nông nhiệp với cây lúa nước là cây chủ đạo. Xã Đồng Hướng cũng như nhiều địa phương khác trong huyện, nhân dân sống chủ yếu bằng nghề nông nghiệp, với diện tích đất nông nghiệp 383,67 ha sản xuất nông nghiệp của xã ngày càng thu được hiệu quả về cả năng suất và sản lượng, trình độ sản xuất thâm canh của nhân dân ngày càng cao, chuyển đổi cơ cấu giống, cơ cấu mùa vụ và hệ thống thủy lợi thuận tiện phục vụ tưới tiêu trong sản xuất.

 

Ông Nguyễn Viết Ái – Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Đồng Hướng

 

 

Đầu tư cơ sở hạ tầng, tạo đà thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển

 

Cách đây tròn 190 năm từ một vùng đất sình lầy, lau sậy, Dinh Điền sứ Tướng công Nguyễn Công Trứ cùng với các vị chiêu, nguyên, thứ mộ thực hiện thành công công cuộc khẩn hoang, lập ra huyện Kim Sơn. Nơi đây là vùng đất có điều kiện tự nhiên rất thuận lợi cho phát triển kinh tế, đặc biệt là kinh tế nông nghiệp và kinh tế biển, Kim Sơn đã phát huy tiềm năng, thế mạnh để từng bước vươn lên phát triển.

 

Để tạo đà thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, huyện Kim Sơn đã và đang tích cực xác định đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng. Xác định mạng lưới giao thông chính là huyết mạch của nền kinh tế - xã hội, do đó việc đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông được huyện ưu tiên hàng đầu. Đến nay, Kim Sơn đã cứng hóa 4 tuyến đường huyện với chiều dài 34,106 km, đường đô thị dài 15,871km, ngoài ra với tổng số 981,54 km đường xã, đường ngõ xóm và đường trục chính nội đồng cũng đang được huyện Kim Sơn thực hiện cứng hóa, rải đá cấp phối. Việc huy động vốn đầu tư hạ tầng nông nghiệp, thủy lợi cũng đạt kết quả cao, góp phần nâng cao năng lực phục vụ sản xuất, phòng chống lụt bão, giảm nhẹ thiên tai; hệ thống đê Sông Vạc, sông Đáy, sông Càn được nâng cấp vững chắc. Hạ tầng mạng lưới điện được huyện chú trọng nâng cấp phục vụ sản xuất kinh doanh và sinh hoạt của nhân dân; cơ sở hạ tầng y tế, giáo dục, thông tin tuyên truyền được quan tâm đầu tư. Các dự án hạ tầng được đầu tư xây dựng tạo điều kiện cho huyện khai thác tốt hơn các tiềm năng lợi thế, đặc biệt là tiềm năng nông nghiệp, thủy sản, du lịch, góp phần thúc đấy kinh tế - xã hội địa phương ngày càng phát triển, nâng cao đời sống nhân dân. Song song với việc đầu tư cơ sở hạ tầng, quy hoạch xây dựng mới, huyện Kim Sơn quan tâm giữ gìn những nét cổ kính của đô thị cũ, tạo điểm nhấn về văn hóa, truyền thống để thu hút khách du lịch khi về tham quan Kim Sơn.

 

Đồng chí Trần Quân – Phó trưởng phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện

 

Kim Sơn - Vùng đất giàu tiềm năng du lịch

               

Kim Sơn - vùng đất giàu tiềm năng du lịch đã trở thành điểm đến hấp dẫn đối với nhiều du khách, một trong những địa điểm nổi bật thu hút đông đảo du khách đó là Quần thể Nhà thờ đá Phát Diệm. Nhà thờ Phát Diệm cách Hà Nội 120km về phía nam, được xây dựng vào những năm 1875 - 1898. Phát Diệm có nghĩa là phát sinh ra cái đẹp, tên Phát Diệm do Dinh điền sứ Tướng Công Nguyễn Công Trứ đặt. Nhà thờ được xây dựng trong suốt thời gian 24 năm liên tục, hàng nghìn tấn đá, có những phiến nặng 20 tấn, hàng trăm cây gỗ lim đã được vận chuyển về tới Phát Diệm để xây nhà thờ, tất cả từ nền, cột, tường đều được làm bằng đá với những nét chạm khắc tinh xảo sống động, đây là nhà thờ có kiến trúc độc đáo nhất Việt Nam.

 

Nét đẹp của Nhà thờ đá ngày càng thu hút đông đảo du khách đến tham quan. Bà Trần Thị Phương – giáo dân giáo xứ Phát Diệm đã nhiều năm nay buôn bán các mặt hàng tiểu thủ công nghiệp được chế biến từ cói, bèo bồng, đặc sản rượu Kim Sơn, các loại mắm và quà lưu niệm tại khu du lịch Nhà thờ đá, Bà Phương cho biết: Quần thể Nhà thờ đá Phát Diệm thu hút ngày càng đông khách đến tham quan việc, du lịch. Việc thu hút đông đảo khách du lịch đến thăm quan đã làm tăng nguồn thu cho nhân dân, thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương ngày càng phát triển.

 

Bà Trần Thị Phương – giáo dân giáo xứ Phát Diệm

 

Người dân Kim Sơn luôn biết ơn Dinh điền sứ - Tướng công Nguyễn Công Trứ cùng với các vị chiêu, nguyên, thứ, mộ đã có công tổ chức khẩn hoang lập nên 60 lý, ấp, trại, giáp, thành lập nên huyện Kim Sơn năm Kỷ Sửu 1829 – là tiền đề, là cơ sở quan trọng để xây dựng huyện Kim Sơn trù phú như ngày hôm nay.

  

Nguyễn Chinh – Đài truyền thanh huyện

Một cửa điện tử
Văn bản điện tử
Bình chọn

Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?

Văn bản mới
Xem thêm
Thống kê truy cập

Lượt truy cập: 2126309

Trực tuyến: 182

Hôm nay: 1592