Trang Thông tin điện tử

Huyện Kim Sơn

Thứ sáu, 29/03/2024

Chào mừng bạn đến với Trang thông tin điện tử huyện Kim Sơn

Không vay vẫn bị đòi nợ

Thứ sáu, 29/07/2022 1834 lượt xem

Thời gian qua, tình trạng cho vay nóng, vay nhanh, vay nặng lãi đã gây bức xúc trong dư luận, bởi cách cho vay và đòi nợ bất chấp pháp luật của các tổ chức, cá nhân này. Không chỉ người vay nợ bị “khủng bố”, mà ngay cả những người không có bất cứ giao dịch gì với các tổ chức cho vay đó vẫn bị quấy rối, làm phiền, xúc phạm nhân phẩm nghiêm trọng.

 

Gần đây cô V.T.A – giáo viên một trường THPT trên địa bàn huyện, liên tục bị người của các công ty tài chính cho vay tiền qua mạng gọi điện, nhắn tin đòi nợ, thậm chí đưa ảnh gia đình, đồng nghiệp lên facebook với lời lẽ xúc phạm, đe dọa. Khi nghe máy, cô A đã giải thích và yêu cầu người đòi nợ nên đòi trực tiếp người vay. Tuy nhiên, các đối tượng đòi nợ không hề bận tâm mà vẫn liên tục quấy rối cả ngày lẫn đêm qua nhiều kênh khác nhau . Cô A chia sẻ: “Họ gọi điện bất kể ngày đêm, nói tôi đồng lõa, chạy nợ... Tôi chặn số này thì họ lập tức gọi lại bằng số khác, còn vào facebook lấy ảnh của gia đình, đồng nghiệp tôi đưa lên mạng sau đó đe dọa, xúc phạm. Điều này đã làm ảnh hưởng rất lớn tới danh dự cũng như cuộc sống của tôi, của gia đình”   

  

Một trong những hình ảnh mà những kẻ đòi nợ thường xuyên comment vào  facebook của cô giáo V.T.A

 

Theo tìm hiểu của phóng viên, khi người nào đó vay tiền của các tổ chức tài chính hoặc qua app tài chính thì đều được yêu cầu phải cung cấp thông tin và số điện thoại của người thân hoặc người trong cùng cơ quan, nơi làm việc để liên lạc trong trường hợp khẩn cấp. Đây cũng chính là căn nguyên dẫn tới việc nhiều người không hề vay, nhưng bỗng dưng… mắc nợ. Hoặc có tình trạng đánh cắp thông tin cá nhân của người khác để đi vay tiền, hầu hết các app vay tiền online hiện nay có phương thức cho vay rất đơn giản, chỉ cần ảnh chứng minh nhân dân (hoặc căn cước công dân) và số điện thoại là có thể đăng ký vay tiền và được giải ngân nhanh chóng.

 

Xuất phát từ sự dễ dãi và lỗ hổng này, nhiều đối tượng đã lợi dụng để đánh cắp thông tin của người khác, sau đó đăng ký vay tiền online trên những ứng dụng cho vay tiền, từ đó vô tình người bị đánh cắp thông tin bỗng dưng bị bêu ảnh lên facebook để đòi nợ mặc dù  chưa từng vay tiền của người khác.     

 

Bỗng dưng bị đưa ảnh lên facebook để đòi nợ là tình trạng khá phổ biến hiện nay, hầu hết những kiểu đòi nợ trên facebook này diễn ra với những nick ảo, các đối tượng đòi nợ trên facebook thường lập rất nhiều nick ảo, sau đó đi bình luận, nhắn tin, tag facebook để đòi nợ. Trường hợp tự nhiên bị người khác lấy ảnh đi bêu riếu để đòi nợ trên Facebook có thể xuất phát từ trường hợp nạn nhân có người thân vay tiền nhưng đã quá hạn mà chưa thanh toán, hoặc có thể do nạn nhân bị đánh cắp thông tin cá nhân để vay tiền, hoặc cũng có thể do các đối tượng cố tình gây áp lực cho người thân của đối tượng vay để thúc ép trả nợ. Để tránh tình trạng này, người dân cần tự nâng cao cảnh giác, không vay tiền qua các app, khi vay phải có trách nhiệm trả nợ đúng hạn, để không làm ảnh hưởng tới những người xung quanh.

Nguồn: Công an huyện Kim Sơn

 

Hành vi đăng ảnh với nội dung sai sự thật như vậy là hành vi vi phạm pháp luật. Đây là hành vi bịa đặt, xúc phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của người bị hại. Trước hết, người bị làm phiền cần phải giải thích rõ ràng cho người gọi điện nếu không vay hoặc không quen với người vay các khoản nợ từ các app cho vay tiền online. Khi nói chuyện với nhân viên của các app vay vốn này, người bị làm phiền cần phải hỏi rõ thông tin của app vay vốn. Đồng thời, yêu cầu người gọi điện đòi nợ làm phiền mình cung cấp các chứng từ, hợp đồng, thông tin về việc vay nợ của mình. Nếu có thể, khi nghe các cuộc điện thoại đòi nợ, các nạn nhân có thể bật ghi âm cuộc gọi hoặc lưu lại tin nhắn để làm bằng chứng nếu sau này cần cung cấp cho cơ quan chức năng. Ngoài ra, khi không vay tiền mà bị gọi điện đòi nợ làm phiền, nạn nhân có thể chặn cuộc gọi, tin nhắn làm phiền bằng các ứng dụng sẵn có trên điện thoại của mình.

 

Lưu ý: Tuyệt đối không cung cấp các thông tin của mình cho các đối tượng gọi điện đòi nợ như: Thông tin về giấy tờ tuỳ thân, quan hệ gia đình, đồng nghiệp, bạn bè, nơi làm việc, sinh sống... Nếu tình trạng bị làm phiền kéo dài thậm chí đến mức bị khủng bố điện thoại, nạn nhân có thể trình báo cơ quan công an nơi cư trú về việc bị làm phiền, khủng bố điện thoại đòi nợ dù không vay tiền theo thủ tục dưới đây: Cơ quan tiếp nhận thông tin là công an cấp xã nơi người bị khủng bố điện thoại cư trú. Theo khoản 1 Điều 7 Thông tư 28/2020/TT-BCA và khoản 1 Điều 1 Bộ luật Tố tụng hình sự sửa đổi năm 2021, công an cấp xã có trách nhiệm tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, tiến hành kiểm tra, xác minh sơ bộ và chuyển ngay tin báo về tội phạm kèm tài liệu, đồ vật liên quan cho cơ quan điều tra có thẩm quyền.

 

Nạn nhân bị các app "đen" khủng bố điện thoại dù không vay tiền cần chuẩn bị các giấy tờ, hồ sơ sau đây:  Đơn tố cáo, trong đơn cần nêu rõ các thông tin: Ngày tháng năm tố cáo; họ tên và địa chỉ cũng như cách thức liên hệ của người tố cáo; nội dung tố cáo (hành vi khủng bố điện thoại của các app cho vay tiền...). Các giấy tờ, chứng cứ chứng minh việc bản thân không vay tiền và bị làm phiền, khủng bố điện thoại: Ghi âm cuộc gọi, tin nhắn đe doạ, thông tin về các app cho vay tiền kèm các số điện thoại gọi điện khủng bố... Khi thấy có dấu hiệu tội phạm, cơ quan công an có thẩm quyền sẽ tiến hành điều tra, xác minh, làm rõ và xử lý nghiêm minh. 

 

                                                            Diệu Hoa

 

 

 

Một cửa điện tử
Văn bản điện tử
Bình chọn

Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?

Thống kê truy cập

Lượt truy cập: 1353300

Trực tuyến: 64

Hôm nay: 2492