Trang Thông tin điện tử

Huyện Kim Sơn

Thứ tư, 03/07/2024

Chào mừng bạn đến với Trang thông tin điện tử huyện Kim Sơn

Hội nghị trực tuyến quán triệt và triển khai thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 10/4/2024 của Ban Bí thư

Thứ ba, 23/04/2024 981 lượt xem
  • Đánh giá cho bài viết:
  • 0 điểm ( 0 đánh giá )

Chiều 22/4, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức Hội nghị trực tuyến quán triệt và triển khai thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 10/4/2024 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định và phát triển bền vững ngành thủy sản.

Đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương chủ trì hội nghị tại điểm cầu Hà Nội.

Tại điểm cầu huyện Kim Sơn, đồng chí Bùi Xuân Diệu, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện dự và chủ trì điểm cầu.

Cùng dự có các đồng chí Ủy viên BCH Đảng bộ huyện, Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy; Bí thư, Phó Bí thư, Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND, UBND các xã, thị trấn; đại diện các doanh nghiệp, tổ chức hội, hiệp hội, hợp tác xã về sản xuất, khai thác, chế biến, xuất khẩu thủy sản trên địa bàn huyện.

Các đại biểu dự tại điểm cầu huyện Kim Sơn.

Tại hội nghị, các đại biểu đã nghe quán triệt những nội dung chủ yếu của Chỉ thị số 32-CT/TW; chương trình hành động của Ban cán sự Đảng Chính phủ về triển khai Chỉ thị 32-CT/TW.

Theo đó, Chỉ thị 32 của Ban Bí thư xác định công tác chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, có ý nghĩa lâu dài đối với phát triển bền vững ngành thủy sản; là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, trước hết là các cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu ở ngành, địa phương có trách nhiệm trực tiếp đối với công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tạo sự thống nhất, đồng bộ, quyết tâm cao thực hiện mục tiêu gỡ cảnh báo "Thẻ vàng" trong năm 2024 và duy trì kết quả bền vững, góp phần phát triển kinh tế - xã hội; bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền biển, đảo; tăng cường quan hệ chính trị, ngoại giao, vị thế của Việt Nam với quốc tế. 

Thực hiện có hiệu quả nghị quyết, chủ trương của Đảng về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; các quy hoạch, chiến lược, chương trình quốc gia liên quan đến phát triển bền vững và hội nhập quốc tế ngành thủy sản. 

Tập trung nâng cao năng lực quản lý Nhà nước trong công tác chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định; bảo đảm công cụ, phương tiện phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm của các lực lượng chấp pháp trên biển. Quan tâm đầu tư nguồn lực Nhà nước; khuyến khích xã hội hóa, hợp tác công tư phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật, hạ tầng thủy sản.

Đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số trong nuôi trồng, khai thác thủy sản, thiết lập chuỗi sản xuất bền vững, hệ sinh thái toàn diện, tạo môi trường thuận lợi cho ngành thủy sản phát triển lâu dài, có uy tín, khả năng cạnh tranh cao, tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu, thích ứng với biến đổi khí hậu, thân thiện với môi trường. 

Chú trọng bảo tồn, bảo vệ, phát triển nguồn lợi thủy sản; phát triển ngành thủy sản phải gắn với bảo đảm an sinh xã hội, sinh kế bền vững, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của ngư dân và người lao động có liên quan; xây dựng thế trận quốc phòng, an ninh trên biển, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Đồng thời tập trung nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế, nhất là với các nước Châu Âu và EU, tăng cường biện pháp ngoại giao, tranh thủ sự ủng hộ của các bên liên quan để sớm gỡ cảnh báo "Thẻ vàng"; không để tàu cá, ngư dân khai thác bất hợp pháp tại vùng biển nước ngoài ảnh hưởng đến quan hệ với các nước…

 Để thực hiện hiệu quả Chỉ thị 32 của Ban Bí thư, Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động và Kế hoạch thực hiện. Trong đó xác định rõ mục đích, yêu cầu, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện. Với mục tiêu gỡ cảnh báo "Thẻ vàng" trong năm 2024, Chính phủ đã đề ra hai nhóm nhiệm vụ, giải pháp lớn trước mắt và lâu dài. Trọng tâm là nâng cao công tác thông tin, tuyên truyền, hoàn thiện và triển khai đồng bộ các quy định pháp luật liên quan. 

Tăng cường điều tra, xác minh, xử lý triệt để các hành vi khai thác IUU, không có trường hợp ngoại lệ. Tăng cường hợp tác quốc tế, bố trí nguồn lực, thanh tra, kiểm tra, giám sát. Tiếp tục rà soát, hoàn thiện chính sách, pháp luật trong lĩnh vực thủy sản; cải thiện sinh kế, nâng cao cuộc sống cộng đồng ngư dân ven biển và hải đảo. Ưu tiên đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng thủy sản; xây dựng thế trận quốc phòng, an ninh trên biển, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo…

Tham luận tại Hội nghị, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương đã tập trung làm rõ kết quả đạt được, khó khăn, nguyên nhân của những hạn chế trong công tác khai thác IUU. Đồng thời đề xuất các giải pháp nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 32 trong thời gian tới. 

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Trương Thị Mai, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương khẳng định việc Ban Bí thư ban hành Chỉ thị 32 đã cho thấy quyết tâm chính trị rất cao của Đảng, Nhà nước trong việc chống khai thác IUU. Đây là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, có ý nghĩa lâu dài đối với phát triển bền vững ngành thủy sản - ngành kinh tế quan trọng có nhiều đóng góp cho GRDP và cuộc sống mỗi người dân. Kể từ khi Ủy ban châu Âu (EC) ra cảnh báo thẻ vàng đối với hải sản khai thác của Việt Nam (ngày 23/10/2017), cho tới nay, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc quyết liệt để triển khai các khuyến nghị của EC. Để thực hiện mục tiêu xóa "Thẻ vàng" trong năm 2024 cần phải có các giải pháp đồng bộ và sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị cho đến mỗi cấp, mỗi ngành, địa phương và mỗi người dân, tàu cá trong tuân thủ quy định của Việt Nam và quốc tế về khai thác và đánh bắt thủy, hải sản. Đây được coi là yếu tố quan trọng quyết định trong hành trình gỡ "Thẻ vàng" IUU của EC.

Các đại biểu theo dõi quán triệt nội dung Chỉ thị số 32-CT/TW; chương trình hành động của Ban cán sự Đảng Chính phủ về triển khai Chỉ thị 32-CT/TW.

Là địa phương duy nhất của tỉnh Ninh Bình giáp biển, với mục tiêu phát triển vùng ven biển Kim Sơn theo hướng khu kinh tế tổng hợp phía nam của tỉnh dựa trên nền tảng khai thác và phát huy tiềm năng, lợi thế riêng có của vùng, với trọng tâm là nuôi trồng, chế biến thủy hải sản công nghệ cao, phát triển du lịch sinh thái. Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết 11 về phát triển bền vững vùng kinh tế ven biển Kim Sơn giai đoạn 2022-2023, qua đó đã tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội cho địa phương.

Vùng kinh tế ven biển Kim Sơn được quan tâm đầu tư phát triển nhanh và bền vững đã góp phần đưa thu nhập bình quân toàn huyện đạt 57,2 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn dưới 1,5% và  đã được công nhận là huyện đạt chuẩn NTM. Việc quán triệt và triển khai thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 10/4/2024 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định và phát triển bền vững ngành thủy sản sẽ giúp Kim Sơn cải thiện sinh kế, nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần quan trọng bảo vệ chủ quyền an ninh quốc gia, đưa kinh tế của huyện nhà phát triển hơn nữa.

                                                                        Diệu Hoa

Một cửa điện tử
Văn bản điện tử
Bình chọn

Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?

Văn bản mới
Xem thêm
Thống kê truy cập

Lượt truy cập: 1814229

Trực tuyến: 205

Hôm nay: 1571

W88 113.80 - https://139.99.113.80/