Trang Thông tin điện tử

Huyện Kim Sơn

Thứ năm, 21/11/2024

Chào mừng bạn đến với Trang thông tin điện tử huyện Kim Sơn

Hiệu quả từ mô hình kinh tế tổng hợp tại Xuân Thiện

Thứ sáu, 22/02/2019 453 lượt xem
  • Đánh giá cho bài viết:
  • 0 điểm ( 0 đánh giá )

Với sức lao động, nghị lực và đôi bàn tay không mệt mỏi, gia đình ông Đỗ Xuân Ngữ ở thôn 10, xã Xuân Thiện hiện đang áp dụng mô hình kinh tế tổng hợp “Vườn – Ao” cho thu lãi hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Không chỉ làm giàu cho bản thân, mô hình kinh tế của ông Ngữ còn tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động địa phương.

 

Mô hình kinh tế Vườn – Ao của gia đình ông Ngữ cho thu nhập bình quân hàng năm trên 100 triệu đồng

 

Sinh ra và lớn lên ở nông thôn, ông Đỗ Xuân Ngữ, thôn 10 xã Xuân Thiện thấu hiểu được nỗi vất vả của người dân chỉ trông vào mấy sào ruộng, quanh năm “bán mặt cho dất, bán lưng cho trời”. Với ý chí quyết tâm, ông nung nấu ý tưởng làm giàu trên chính đồng đất địa phương. Năm 2006, cùng với 1,7 mẫu đất trũng trồng lúa kém hiệu quả của gia đình, ông đấu thầu thêm 1,3 mẫu đất trũng của người bà con để đầu tư phát triển kinh tế. Nhận thấy, đặc điểm của vùng đất trũng rất khó canh tác, ông Ngữ chọn mô hình vườn – ao – chuồng; đào ao thả cá, lấy đất lập vườn trồng cây ăn quả kết hợp làm chuồng trại chăn nuôi. Đây là một mô hình cũ nhưng phù hợp với điều kiện thực tế của gia đình và địa phương, nên có thể tận dụng được nhiều lợi ích khác nhau.

 

Đầu nghĩ tay làm, ông cho đào 1,5 mẫu ao và tiến hành nuôi thả các loại cá nước ngọt quen thuộc như; trắm, trôi, mè, chép theo phương pháp nuôi truyền thống với việc sử dụng các loại thực phẩm, phụ phẩm có sẵn như; bã rượu, cỏ, bèo. Trong quá trình đào ao thả cá, ông cho làm một đường rãnh dốc để dẫn bùn đổ về khắp khu vườn. Khi mảnh vườn đã được lập đất cao, vợ chồng ông lại đào hố, bón phân, trồng các loại cây ăn trái như; chuối, ổi, táo, kết hợp trồng đào cảnh và các loại cây rau màu; rồi xây dựng chuồng trại chăn nuôi lợn, gà, vịt. Lấy công làm lãi, vợ chồng ông Ngữ không kể mưa nắng, mảnh vườn hay ao cá đều do tự tay gia đình làm, trừ việc quá sức người thì mới thuê thợ, để tiết kiệm chi phí. Những ngày đầu, gia đình ông gặp không ít khó khăn, thiếu vốn, lại chưa có kinh nghiệm trong sản xuất nên hiệu quả kinh tế thấp, có năm ông nuôi thử nghiệm cá diêu hồng theo phương pháp công nghiệp và bị mất trắng.

 

Ông Ngữ đang chăm sóc vườn Bạch chỉ

 

Suy nghĩ “Trồng cây gì - Nuôi con gì” để đem lại hiệu quả kinh tế cao trên diện tích đất canh tác của gia đình luôn là trăn trở thường trực đối với ông Ngữ. Vừa làm vừa rút kinh nghiệm, ông Ngữ lặn lội “tầm sư học đạo” tại các mô hình sản xuất hiệu quả ở huyện Gia Viễn, đồng thời tích cực cập nhật kiến thức qua các phương tiện thông tin truyền thông, từng bước áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất một cách bài bản. Năm 2011 ông quyết định chuyển đổi mô hình, chỉ làm kinh tế Vườn - Ao, đồng thời sử dụng toàn bộ diện tích đất vườn trồng cây bạch chỉ, bởi đây là cây thuốc nam dễ tính với đặc điểm tốn ít công chăm sóc, đầu ra lại ổn định. Từ năm 2014, ông Ngữ áp dụng hình thức nuôi cá bán công nghiệp, sử dụng khoảng 30-40% cám công nghiệp làm thức ăn cho cá. Trên diện tích đất vườn, mỗi năm gia đình ông Ngữ trồng một vụ bạch chỉ và một vụ ngô, tận dụng lá ngô làm thức ăn cho cá để tiết kiệm chi phí. Hàng năm gia đình thu hoạch từ 1,7-1,8 tấn cá, giá bán dao động 35 - 50 ngàn đồng/kg tùy loại. Bạch chỉ cho thu hoạch khoảng 3 tạ khô/sào với giá dao động 45 - 57 ngàn đồng/kg; ngô cũng cho thu hoạch 1,5 - 1,7 tạ/sào. Trừ các loại chi phí, mô hình kinh tế Vườn – Ao của gia đình ông Ngữ cho thu nhập bình quân hàng năm trên 100 triệu đồng.

 

Mô hình phát triển kinh tế của gia đình ông Ngữ không chỉ tăng nguồn thu nhập, cải thiện đáng kể đời sống gia đình mà còn cải tạo diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả trở thành mảnh đất sản xuất cho giá trị kinh tế cao. Quan trọng hơn, nhờ phát triển ổn định, mô hình đã tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động địa phương. Ngoài nhân lực gia đình, ông Ngữ thuê thêm 4-5 lao động, lúc cao điểm cần đến 15 - 20 người làm các công việc như; thu hoạch cá, chăm sóc và thu hoạch bạch chỉ. Không chỉ chăm lo kinh tế gia đình, ông Ngữ còn tích cực chia sẻ kinh nghiệm làm Vườn – Ao mà mình tích lũy được, giúp nhiều hộ dân địa phương ứng dụng vào phát triển sản xuất, cải thiện đời sống gia đình./.

 

Trần Hằng – Đài Truyền thanh huyện

Một cửa điện tử
Văn bản điện tử
Bình chọn

Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?

Văn bản mới
Xem thêm
Thống kê truy cập

Lượt truy cập: 2126395

Trực tuyến: 207

Hôm nay: 1678