Trang Thông tin điện tử

Huyện Kim Sơn

Thứ hai, 31/03/2025

Chào mừng bạn đến với Trang thông tin điện tử huyện Kim Sơn

Hiệu quả bước đầu của thực hiện học bạ số

Thứ ba, 18/03/2025 263 lượt xem
  • Đánh giá cho bài viết:
  • 15 điểm ( 3 đánh giá )

Sau thời gian thực hiện thí điểm, việc triển khai “học bạ số”được phần đông cán bộ, giáo viên tại các trường Tiểu học, Tiểu học &THCS trên địa bàn huyện đánh giá cao, bởi không chỉ tăng tính công khai, minh bạch trong việc đánh giá, xếp loại học sinh mà phần mềm này còn giảm bớt áp lực về hồ sơ, sổ sách cho giáo viên và nhà trường, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.

Học bạ số là học bạ được số hóa, lưu trữ trên môi trường số, có ký xác thực điện tử của cá nhân và tổ chức có thẩm quyền, có giá trị pháp lý để sử dụng trên môi trường số. Học bạ số bảo đảm lưu trữ đầy đủ, chính xác thông tin về học sinh và kết quả học tập, rèn luyện của học sinh trong quá trình học tập tại cấp học.Trên địa bàn huyện, học bạ số được triển khai thí điểm từ lớp 1 đến lớp 4 tại 29/29 trường Tiểu học, Tiểu học&THCS trong năm học 2023-2024 và được triển khai thực hiện đại trà tại tất cả các khối lớp cấp Tiểu học, Tiểu học&THCS, Trung học cơ sởvào năm học 2024 – 2025.

Học bạ số được triển khai thực hiện tại trường Tiểu học Lưu Phương (Thị trấn Phát Diệm) từ năm học 2023 – 2024.

Xác định học bạ sốthay thế học bạ giấy truyền thống để sẵn sàng kết nối với hệ thống quản lý thông tin của Bộ Giáo dục và Đào tạo là xu hướng tất yếu hiện nay.Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện đã hướng dẫn cáctrường Tiểu học, Tiểu học&THCS triển khai thí điểm học bạ số trên tinh thần vừa làm, vừa nghiên cứu, khảo sát, đánh giá, vừa rút kinh nghiệm, linh hoạt thực hiện phù hợp điều kiện thực tế của địa phương và kịp thời điều chỉnh theo hướng dẫn và chỉ đạo của Sở Giáo dục và Đào tạo.Trong quá trình thực hiện, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện phối hợp với đơn vị cung cấp phần mềm thực hiện học bạ số tổ chức tập huấn sử dụng, vận hành các chức năng, nghiệp vụ cơ bản về tạo lập và sử dụng học bạ số như: Tạo lập, cập nhật học bạ số, quản lý và lưu trữ học bạ số, sử dụng học bạ số, kết nối, trao đổi dữ liệu học bạ số với cơ sở dữ liệu ngành. Cung cấp tài khoản ký số cho giáo viên chủ nhiệm từ lớp 1 đến lớp 4. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng công nghệ được đầu tư, 29/29 trường học có phòng tin học với 621 máy tính kết nối internet, hệ thống mạng internet tại các trường ngày càng được cải thiện, đáp ứng tốt hơn nhu cầu triển khai các ứng dụng công nghệ thông tin, trong đó có thực hiện học bạ số.Kết thúc năm học2023-2024 đã có 12.141/12.180 học bạ số (99,68%) được tạo lập đúng quy định và chuyển về kho dữ liệu của Sở Giáo dục và Đào tạo. Còn 39 học bạ số chưa phát hành do học sinh chưa hoàn thành chương trình lớp học.

Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện tổ chức tập huấn học bạ số cho cán bộ, giáo viên các trường Tiểu học, Tiểu học&THCS trên địa bàn huyện.

Việc sử dụng học bạ số bước đầu mang lại nhiều lợi ích về mặt quản lý, theo dõi, kiểm tra thông tin; dễ dàng điều chỉnh thông tin nếu có sai sót so với học bạ giấy truyền thống. Ðiều này tạo thuận lợi cho giáo viên và nhà trường tiết kiệm thời gian, giảm công việc hành chính, không còn phải chỉnh sửa, in ấn và ký học bạ thủ công; nhất là tăng tính công khai, minh bạch trong quản lý kết quả học tập, rèn luyện của học sinh, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục nhà trường. Phụ huynh có thể tra cứu kết quả học tập của con em mình một cách dễ dàng, từ đó phối hợp tốt với giáo viên và nhà trường trong việc nhắc nhở, đôn đốc học sinh học tập hiệu quả.

Trường Tiểu học Lưu Phương (Thị trấn Phát Diệm) là một trong những trường Tiểu học, Tiểu học&THCS  trên địa bàn huyện có đông học sinh. Trước đây, mỗi năm nhà trường phải lưu trữ khá nhiều học bạ giấy, công việc liên quan đến hồ sơ, sổ sách đối với các thầy, cô giáo cũng tương đối lớn. Tuy nhiên, từ năm học 2023-2024 thực hiện thí điểm học bạ số đã có sự thay đổi, cô giáo Đinh Thị Hà, Hiệu trưởng trường Tiểu học Lưu Phương cho biết:Năm học 2023-2024, trường Tiểu học Lưu Phương thực hiện thí điểm cho các lớp khối từ lớp 1 đến lớp 4. Đến nay, chúng tôi đã nhân rộng ra toàn trường, 100% cán bộ, giáo viên nhà trường đều sử dụng thành thạo các phần mềm giáo dục và chữ ký số cho hồ sơ điện tử. Tất cả thao tác đều được thực hiện trên hệ thống nên bảo đảm thống nhất, khoa học, chính xác, qua đó góp phần nâng cao hiệu quả điều hành, công khai, minh bạch trong đánh giá, xếp loại học sinh cuối năm. Đặc biệt, phần mềm cho phép cán bộ quản lý kiểm tra, giám sát quản lý chặt chẽ, nghiêm túc việc sửa chữa điểm đã nhậpcũng như các chế độ bảo mật thông tin trong sổ điểm điện tử theo đúng nguyên tắc, quy trình. Việc triển khai học bạ số cũng giúp nhà trường không phải bảo quản học bạ sau khi in ấn, lưu giữ được lâu dài trên môi trường số.

 

Việc sử dụng học bạ số không chỉ giúp các nhà trường thuận lợi hơn trong quản lý màcòn tiết kiệm được thời gian làm hồ sơ, sổ sách cho giáo viên.

Thực tế, việc sử dụng học bạ số không chỉ giúp các nhà trường thuận lợi hơn trong quản lý mà còn tiết kiệm được nhiều thời gian cho giáo viên, cô giáo Nguyễn Thị Thanh Thủy, chủ nhiệm lớp 1A, trường Tiểu học Lưu Phương cho biết: Học bạ điện tử đã giúp chúng tôi thực hiện tốt chuyển đổi số, đáp ứng yêu cầu công nghệ thông tin 4.0 hiện nay. Nhà trường đã tạo điều kiện về cơ sở vật chất để thực hiện đồng bộ việc quản lý thông tin học sinh một cách dễ dàng trên phần mềm. So với học bạ truyền thống, học bạ số có ưu điểm là giảm áp lực sổ sách, tiết kiệm thời gian cho giáo viên. Việc phê duyệt và ký có thể thực hiện sau thao tác phê duyệt và ký nên tiện lợi, linh động, có thể thực hiện ở mọi nơi, mọi lúc, nhanh chóng, rõ ràng, lưu trữ lâu dài, an toàn, dễ dàng trích xuất lúc cần.

Tuy nhiên, để thực hiện học bạ số vẫn cần khắc phục một số khó khăn, vướng mắc đó là:Một số phụ huynh chưa làm thủ tục để con em mình có mã định danh điện tử từ cơ sở dữ liệu dân cư; cấp quản lý chữ ký số cho cán bộ quản lý, giáo viên; một số giáo viên hạn chế về kỹ năng sử dụng các phần mềm do tuổi cao; mẫu Học bạ PDF và XML chưa đồng bộ trong toàn bộ hệ thống giáo dục... điều này khiến học sinh khi chuyển trường từ địa phương này sang địa phương khác còn gặp nhiều khó khăn, do đó nhà trường phải in học bạ giấy.

Để phát huy hiệu quả tích cực của học bạ số, các nhà trường đề nghị các nhà mạng cung cấp dịch vụ nâng cấp hệ thống, đường truyền; đồng bộ hóa các tính năng của hệ thống và cập nhật các biểu bảng phù hợp. Đề xuất các cấp có thẩm quyềnđầu tư kinh phí để sử dụng và lưu trữ học bạ số vĩnh viễn trên môi trường trực tuyến. Đồng bộ liên thông tất cả các bậc học và tất cả các trường cùng hệ thống để thuận tiện khi học sinh chuyển cấp, chuyển trường.  

Tin tưởng rằng, với những kết quả đạt được bước đầu, việc triển khai thực hiện học bạ số sẽ dần được thực hiện đồng bộ, đánh giá đúng sự tiến bộ của học sinh, giảm áp lực sổ sách cho giáo viên, góp phần thực hiện hiệu quả chuyển đổi số ngành giáo dục, hướng đến nền giáo dục hiện đại, chất lượng, hiệu quả. 

Nguyễn Chinh

Góp ý của nhân dân
Một cửa điện tử
Văn bản điện tử
Bình chọn

Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?

Văn bản mới
Xem thêm
Thống kê truy cập

Lượt truy cập: 2399707

Trực tuyến: 32

Hôm nay: 371