Trang Thông tin điện tử

Huyện Kim Sơn

Thứ sáu, 19/04/2024

Chào mừng bạn đến với Trang thông tin điện tử huyện Kim Sơn

Hiện tượng phản ứng dây chuyền xảy ra sau tiêm vắc xin COVID-19 đối với trẻ em

Thứ hai, 29/11/2021 271 lượt xem

Ngày 27/11/2021, huyện Kim Sơn bắt đầu triển khai Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19 đợt XI cho nhóm đối tượng là học sinh các trường THCS trong độ tuổi từ 12 – 15 tuổi và đối tượng trẻ em từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi không đi học trên địa bàn huyện. Loại vắc xin được triển khai tiêm đợt này là Comirnaty do Pfizer-BioNTech của Hoa Kỳ sản xuất, đã được Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo tiêm chủng cho trẻ em.

Lãnh đạo Sở y tế, Ban chỉ đạo Phòng chống COVID-19 huyện rà soát, đánh giá  quy trình tiêm chủng tại điểm tiêm chủng lưu động Nhà văn hóa xã Lai Thành đảm bảo thực hiện chặt chẽ, nghiêm túc, khoa học trong các công đoạn

 

Chiều ngày 27/11/2021, tại điểm tiêm Nhà văn hóa xã Lai Thành đã triển khai tiêm phòng vắc xin COVID-19 cho học sinh trường THCS Yên Lộc, THCS Lai Thành và đối tượng trẻ em từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi không đi học trên địa bàn xã. Khi triển khai tiêm cho 336 trường hợp đã xảy ra 12 trường hợp sau tiêm có triệu chứng đau đầu, tức ngực, khó thở, hồi hộp, lo âu…xuất hiện có tính lan truyền từ học sinh này sang học sinh khác. Khi xảy ra hiện tượng trên 12 học sinh đã nhanh chóng được sử trí theo đúng quy trình của Bộ Y tế, sau đó các em được chuyển về bệnh viện Đa khoa huyện để theo dõi và chăm sóc y tế, các chỉ số sinh tồn mạch, huyết áp ổn định, không có các triệu chứng của sốc phản vệ sau tiêm.

Sau khi sự việc xảy ra, điểm tiêm tại Nhà văn hóa xã Lai Thành đã tạm dừng tiêm, lãnh đạo Sở y tế, Ban chỉ đạo Phòng chống COVID-19 huyện rà soát, đánh giá lại quy trình tiêm chủng có thể thấy: Tại điểm tiêm chủng, ngành y tế chỉ đạo lực lượng làm nhiệm vụ tiêm chủng, thực hiện chặt chẽ, nghiêm túc, khoa học trong các công đoạn tiêm chủng như lập danh sách trẻ trong độ tuổi tiêm, xác lập mã định danh, phiếu xác nhận của người giám hộ, cha mẹ học sinh, tiếp nhận vắc xin, bảo quản, vận chuyển đúng quy trình, bố trí lực lượng làm nhiệm vụ, nhập dữ liệu vào máy, khám sàng lọc và theo dõi sau tiêm chủng…Sau khi tiêm vắc xin, tất cả trẻ được tiêm đều ở lại 30 phút để theo dõi sức khỏe nhằm kịp thời phát hiện, xử lý các phản ứng phụ.

Tiêm vắc xin là một trong các biện pháp hữu hiệu nhất để chủ động phòng chống dịch bền vững và lâu dài (Ảnh ST)

 

Ngành chức năng nhận định hiện tượng 12 em học sinh có triệu chứng đau đầu tức ngực, khó thở, hồi hộp, lo âu sau tiêm không phải do vắc xin cũng như quá trình tiêm chủng mà hiện tượng đau đầu, chóng mặt, tức ngực, khó thở đồng loạt xảy ra với học sinh khi tham gia tiêm tại điểm tiêm Nhà văn hóa xã Lai Thành là hiện tượng phản ứng dây chuyền sau khi tiêm chủng. Tức là sau khi tiêm vắc xin cho một nhóm người sẽ gây ra sự lo lắng ở những người được tiêm với những triệu chứng tương tự nhau, gây ra một dạng của phản ứng dây chuyền; như là sự xuất hiện một chùm các triệu chứng có thể xảy ra ở trường học. Các trường hợp này đã được Tổ chức Y tế thế giới và Bộ Y tế khuyến cáo, trong thời gian qua cũng đã ghi nhận tại một số điểm tiêm chủng trường học. Yếu tố nguy cơ là có sự kích thích tác động gây lo lắng, nữ thường gặp nhiều hơn nam, khoảng tuổi học sinh cấp 2. Triệu chứng điển hình thường là chóng mặt, buồn nôn, suy nhược, đau đầu, khó thở, tức ngực. Tính năng điển hình là xuất hiện cấp tính, lây lan nhanh chóng.

Cách phòng tránh có thể thực hiện các biện pháp như: Chuẩn bị tâm lý cho trẻ trước khi tiêm, Tiêm phòng cho những trẻ ít sợ tiêm đầu tiên; Cho uống nước đường hoặc trà gừng; Theo dõi nhóm tiêm chủng đó sau tiêm 30 phút; Khi 1 trẻ có biểu hiện trên, cần cách ly, trấn an và theo dõi; Các phụ huynh cần lưu ý cho con ăn no đủ trước khi đi học hoặc trước khi tiêm chủng 30 phút để tránh trẻ bị đói, hạ đường huyết. Các trẻ nhỏ trong tiêm vắc xin thường có cảm giác lo sợ, đặc biệt là các trẻ có tâm lý sợ bơm kim tiêm. Ngoài ra, các điểm tiêm chủng nên bố trí phòng chờ cho trẻ thoải mái về tâm lý, tránh để trẻ trực tiếp nhìn thấy việc tiêm chủng cho trẻ em trước đó hay phòng cấp cứu sẽ dễ gây ra các biểu hiện tâm lý trên đây.

Theo khuyến cáo của ngành chức năng, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp như hiện nay cùng với việc thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch, thông điệp 5K của Bộ y tế thì việc tiêm vắc xin là một trong các biện pháp hữu hiệu nhất để chủ động phòng chống dịch bền vững và lâu dài. Vì vậy, các gia đình không nên lo lắng và hãy yên tâm cho con em đi tiêm chủng, bởi vắc xin tốt nhất là vắc xin được tiêm sớm nhất và sớm tạo miễn dịch cộng đồng.

 

Nguyễn Chinh

 

Một cửa điện tử
Văn bản điện tử
Bình chọn

Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?

Thống kê truy cập

Lượt truy cập: 1399893

Trực tuyến: 31

Hôm nay: 1815