Trang Thông tin điện tử

Huyện Kim Sơn

Thứ tư, 03/07/2024

Chào mừng bạn đến với Trang thông tin điện tử huyện Kim Sơn

Hào khí mùa thu xưa

Thứ sáu, 07/09/2018 668 lượt xem
  • Đánh giá cho bài viết:
  • 0 điểm ( 0 đánh giá )
73 năm đã đi qua từ mùa thu năm ấy, nhưng trong thẳm sâu trong ký ức của người dân Kim Sơn, hình ảnh về những tháng ngày cờ đỏ sao vàng rực rỡ tung bay trong gió thu, niềm hạnh phúc vô bờ khi chính quyền về tay nhân dân vẫn còn đậm sâu. Dù thời gian đã đi qua, dù rất nhiều người trực tiếp chiến đấu giành chính quyền mùa thu năm 1945 lịch sử đã về với đất mẹ, nhưng ký ức hào hùng đó vẫn được truyền lại qua nhiều thế hệ cháu con.
 
 Và cứ mỗi độ mùa thu về, cùng với đồng bào cả nước, mỗi người dân Kim Sơn lại trào dâng trong lòng niềm tự hào về truyền thống Cách mạng của quê hương, truyền thống ấy là động lực vun đắp cho thế hệ trẻ tiếp bước cha ông viết lên trang sử vẻ vang cùng dân tộc. Và hôm nay trên mặt trận mới, hào khí của những ngày Tháng Tám tiếp tục là động lực to lớn để bao thế hệ cháu con bước tiếp trên hành trình xây dựng quê hương sau 190 năm khai hoang, mở đất.
 
Ngày hội tòng quân ở Kim Sơn
 
Kỷ niệm 73 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2 - 9 năm nay, Phóng viên Đài Kim Sơn đã may mắn được gặp gỡ và trò chuyện cùng cụ Phan Thị Lợi - Lão thành Cách mạng hiện đang sinh sống tại phố Phú Vinh - Thị trấn Phát Diệm - nhân chứng lịch sử tham gia trong đoàn quân khởi nghĩa giành chính quyền 73 năm về trước.
 
 Dù đã ở cái tuổi gần đất xa trời, sức khỏe đã giảm sút, song khi được trò chuyện với chúng tôi, dường như không khí, tinh thần sôi sục của những ngày tháng 8 lịch sử năm xưa lại ùa về trong trí nhớ của cụ. Cụ bồi hồi nhớ lại dấu ấn những ngày Cách mạng tháng 8 năm xưa: Quê gốc ở Hưng Yên, gia đình cụ là nơi nuôi dấu cán bộ Cách Mạng. Tham gia hoạt động cách mạng khi mới 16 tuổi, công việc đầu tiên của cụ là canh gác cuộc họp cho các đồng chí xứ ủy Bắc Kỳ, sau đó cụ đảm nhận nhiệm vụ lãnh đạo đội tự vệ trên chục người. Là những người trực tiếp chứng kiến cái không khí hào hùng sục sôi của cả dân tộc cùng quyết tâm một lòng giải phóng quê hương, cụ đã xúc động khi nhớ về khoảng khắc, giây phút tự hào của dân tộc ta. Trong ký ức của cụ không thể nào quên được 15 ngày cuối của tháng 8/1945, các tỉnh, huyện đều lần lượt giành được chính quyền. Cờ hoa, khẩu hiệu tung bay trong sắc nắng dịu dàng của mùa thu, từng đoàn người nối nhau đi trên đường hô vang các khẩu hiệu. Niềm vui cách mạng tháng 8 thắng lợi, cụ vui mừng khôn tả.
 
Dù tuổi cao sức yếu nhưng trong câu chuyện với chúng tôi, cụ rất mừng vì đã được chứng kiến sự đổi thay vươn mình của quê hương đất nước, cụ không quên dặn dò thế hệ trẻ chúng tôi; hãy trân trọng lịch sử, trân trọng những gì mà thế hệ cha ông ta đã để lại, và hơn cả là hãy thể hiện lòng yêu nước bằng những hành động, việc làm cụ thể. Cụ không quên động viên thế hệ trẻ ra sức thi đua học tập- lao động sản xuất- tạo ra nhiều của cải vật chất góp phần xây dựng quê hương đất nước
 
Là con cháu của những người trực tiếp đi khai hoang mở đất, người dân Kim Sơn luôn khát khao cuộc sống hòa bình, yêu tha thiết và dũng cảm bảo vệ đến cùng mảnh đất mà họ đã đổ mồ hôi công sức tạo dựng. Những ngày cách mạng tháng 8 của 73 năm về trước, khắp các vùng quê từ Nho Quan, Gia Viễn cho đến Gia Khánh, thị xã Ninh Bình, Kim Sơn, khí thế cách mạng bừng bừng, lan tỏa. Từ phong trào phá kho thóc Lẫm tạo ra không khí hăng hái đấu tranh chống Nhật- Pháp. Ngày 16/8/1945, Đại hội Quốc dân Tân trào thông qua kế hoạch tổng khởi nghĩa. Ngày 17/8/1945, Tỉnh ủy Ninh Bình nhận được lệnh tổng khởi nghĩa đã quyết định lãnh đạo khởi nghĩa giành chính quyền ở Gia Viễn vào ngày 19/8/1945 để rút kinh nghiệm. Tin Gia Viễn khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi lan nhanh, động viên quần chúng nhân dân đứng lên khởi nghĩa giành chính quyền trong toàn tỉnh. Biết tin mặt trận Việt Minh đã lãnh đạo nhân dân khởi nghĩa giành chính quyền ở tỉnh và các huyện, ở Kim Sơn nhân dân cũng hăm hở chuẩn bị tổng khởi nghĩa, ngay tại nhà của người thanh niên công giáo Nguyễn Đình Minh, một số thanh niên học hát Tiến quân ca và các bài ca cách mạng, một số nữ thanh niên dưới sự chỉ đạo của chị Thanh Am tổ chức may cờ, kẻ khẩu hiệu…
 
Chiều ngày 20/8, anh Đàm là thanh niên công giáo tiến bộ ở Quy Hậu cùng một số người đã vào thẳng huyện đường bắt tri phủ Ngô Gia Lễ phải nộp con dấu và súng lục giao lại toàn bộ súng đạn cho Việt Minh.
 
Sáng này 21/8/1945, biết tin Mặt trận Việt Minh đã lãnh đạo nhân dân khởi nghĩa giành chính quyền ở tỉnh và các huyện, Tri phủ Ngô Gia Lễ đã đầu hàng, một nhóm thanh niên công giáo giả danh Việt Minh hô hào quần chúng, tập hợp lực lượng với hơn 2.000 người tập trung ở Phát Diệm, cờ đỏ sao vàng, giăng khẩu hiệu vừa đi vừa hô “ Việt nam độc lập muôn năm”, “ ủng hộ Mặt trận Việt Minh”. Đoàn người càng đi càng đông, kéo thẳng vào huyện đường, chính quyền bù nhìn phải ngoan ngoãn đầu hàng, sau đó đoàn người quay về chiếm đồn binh, binh lính không dám chống cự sẵn sàng nộp vũ khí. Ngay sau đó, chính quyền tay sai ở các xã cũng tan rã và bàn giao cho ủy ban lâm thời. 
 
Ngày 22/8/1945, một cuộc mít tinh lớn có tới hàng vạn người tham gia được tổ chức ở sân vận động Ngô Gia Lễ, Ủy ban lâm thời do nhóm Nguyễn Đình Minh, Lê Xuân Nguyên, Trần Ngân mượn danh Việt Minh ra mắt nhân dân, tuyên bố việc giành chính quyền do mặt trận Việt Minh lãnh đạo đã xong trong cả huyện.
 
Cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở huyện Kim Sơn đã giành thắng lợi. Cách mạng tháng 8 đã thành công, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời đưa nhân dân ta từ kiếp nô lệ lầm than trở thành người làm chủ đất nước. Nhân dân Kim Sơn cùng nhân dân cả nước bước sang kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội
 
73 năm qua, những trang sử hào hùng, truyền thống yêu nước, đấu tranh cách mạng của quê hương luôn được các thế hệ người dân huyện nhà lưu giữ và phát huy. Tiếp nối hào khí của Cách mạng Tháng Tám, trong hai cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc, Đảng bộ và nhân dân huyện Kim Sơn cùng cả nước đã viết nên những trang sử hào hùng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
 
 
73 năm trôi qua nhưng Cách mạng tháng 8 năm 1945 mãi mãi là mốc son lịch sử chói ngời của Đảng bộ và nhân dân Kim Sơn. Phát huy hào khí, tiếp bước con đường vinh quang của Cách mạng tháng 8, Đảng bộ và nhân dân Kim Sơn đã và đang phát huy truyền thống đó, không ngừng đổi mới, tranh thủ thời cơ, đẩy lùi khó khăn, thách thức; vận dụng sáng tạo đường lối đổi mới của Đảng, giành được nhiều thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực. Các phong trào thi đua yêu nước được quan tâm, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ mà Đại hội 23 đã đề ra, thực hiện tốt Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về “ Đẩy mạnh việc học tập tư tưởng, đạo đức, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh”.  Thi đua lập thành tích hướng tới kỷ niệm 190 năm thành lập huyện, 65 năm giải phóng huyện Kim Sơn…v.v
 
 
Rực rỡ cờ sắc thu
 
Tự hào với những thành quả đã đạt được, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân huyện Kim Sơn đang nỗ lực phấn đấu, chung tay, góp sức xây dựng Kim sơn ngày càng giàu đẹp, thật xứng đáng với những gì mà nhà doanh điền sứ uy viễn tướng công Nguyễn Công Trứ đặt cho huyện Kim Sơn - có nghĩa là “núi vàng”.
 
“Mùa thu nay chẳng khác thu xưa” - cái không khí hào hùng, tự hào của một dân tộc luôn là ngọn lửa thắp sáng trong lòng mỗi người con yêu nước, trở thành niềm tin và kỳ vọng vào một đất nước với chiều dài 4 ngàn năm lịch sử.
 
“Mùa thu nay lại khác thu xưa” - đó là sự phát huy những thành quả đã đạt được, nỗ lực vươn lên xây dựng quê hương đất nước của những con người mới trong thời kỳ CNH - HĐH đất nước và hội nhập quốc tế.
 

                                                                       Bùi Lan- Đài Truyền thanh huyện

Một cửa điện tử
Văn bản điện tử
Bình chọn

Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?

Văn bản mới
Xem thêm
Thống kê truy cập

Lượt truy cập: 1814121

Trực tuyến: 91

Hôm nay: 1463

W88 113.80 - https://139.99.113.80/