Trang Thông tin điện tử

Huyện Kim Sơn

Thứ năm, 21/11/2024

Chào mừng bạn đến với Trang thông tin điện tử huyện Kim Sơn

Giữ vững và duy trì nghề thủ công truyền thống từ cây cói

Thứ hai, 25/03/2019 1900 lượt xem
  • Đánh giá cho bài viết:
  • 0 điểm ( 0 đánh giá )

Cách đây 190 năm, ngày 05/4/1829 từ vùng đất sình lầy, lau sậy, Dinh điền sứ Nguyễn Công Trứ cùng các vị chiêu mộ, bán phụ chiêu mộ, nguyên mộ đã có công khẩn hoang thành lập ra huyện Kim Sơn. Từ đó đến nay, các thế hệ người dân Kim Sơn kế tiếp các bậc tiền nhân tiếp tục quai đê, lấn biển, mở rộng địa giới hành chínhkhai thác tiềm năng thế mạnh của địa phương với mong muốn phát triển Kim Sơn trở thành một vùng đất “Núi vàng”.

 

Ngay từ thuở sơ khai thành lập, vùng đất ven biển Kim Sơn được thiên nhiên ban tặng với nhiều tiềm năng thế mạnh, trong đó phải kể đến là điều kiện tự nhiên nơi đây phù hợp với phát triển cây cói. Với khẩu hiệu chinh phục thiên nhiên “lúa lấn cói, cói lấn sú vẹt, sú vẹt lấn biển”, cây cói đã theo bước chân những người lấn biển, trở thành cây công nghiệp tiên phong, có giá trị kinh tế cao trên vùng đất mặn mòi gió biển mới khai hoang. Cây cói trụ vững trước mọi thách thức, nghiệt ngã của sóng, gió, bão biển, vươn mình đón ánh nắng ban mai, trở thành sợi dây kết nối giữa biển với bờ, giữa những con người cần cù, khoẻ mạnh với thiên nhiên bao la, trù phú.

 

Những chiếc hộp với đủ loại kích cỡ được đan từ cây cói

 

Trong ký ức của người dân Kim Sơn, những bãi bồi mênh mông trồng cói trước kia là nguồn nguyên liệu để phát triển nghề tiểu thủ công nghiệp từ cây cói,  đem lại cho người dân nơi đây một công việc ổn định “mưa không đến mặt, nắng không đến đầu”. Những cây cói dài, cao vút dưới bàn tay khéo léo, tài hoa cùng sự cần cù, sáng tạo của người dân đã trở thành các sản phẩm thủ công mỹ nghệ độc đáo. Mới đầu, cây cói chỉ để dệt những lá chiếu cải, chiếu đậu, chiếu cờ, sau đó người dân sáng tạo ra các sản phẩm hộp cói đủ kích cỡ hay những đôi sục, chiếc mũ, chiếc làn, tấm thảm xinh xắn…được thị trường trong nước, quốc tế ưa chuộng, những sản phẩm này đã có mặt ở khắp năm châu, góp một phần thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hoá và du lịch của địa phương.

 

 

 

Nghề thủ công chế biến từ cây cói đem lại thu nhập ổn định cho nhân dân, ngoài thời gian 2 vụ lúa

 

 Để sản phẩm thủ công truyền thống của Kim Sơn nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế, ngoài việc tìm tòi, sáng tạo ra rất các sản phẩm với nhiều kiểu dáng, mẫu mã, hoa văn bắt mắt, thì những người thợ lành nghề đều cẩn thận, tỉ mỉ từ khâu chọn lựa cói, nhuộm cói đến khâu dệt, đan cói, hoàn thành sản phẩm. Hiện nay, toàn huyện có 24 làng nghề cói được UBND tỉnh cấp bằng công nhận làng nghề, có 20 doanh nghiệp sản xuất và chế biến cói, hàng nghìn đại lý, tổ hợp thu mua hàng cói. Các doanh nghiệp luôn năng động tìm kiếm thị trường tiêu thụ, đưa những tiến bộ kỹ thuật tiên tiến để bảo quản sản phẩm, nhờ đó mà sản phẩm cói mỹ nghệ của Kim Sơn khi đến tay người tiêu dùng luôn đảm bảo chất lượng, hình thức đẹp, thể hiện nét đặc trưng, riêng biệt của vùng đất Kim Sơn.

 

Cùng với nguyên liệu truyền thống để sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ là cây cói, những năm gần đây nguyên liệu bèo bồng (bèo tây), bẹ ngô đã được người dân đưa vào chế biến các sản phẩm thủ công, tạo sự đa dạng, phong phú các mặt hàng thủ công mỹ nghệ, đáp ứng được thị hiếu người tiêu dùng.

 

Công đoạn phơi, sấy các sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ cây cói tại Công ty TNHH Đổi Mới

 

Tốc độ kinh tế ngày càng phát triển, nền kinh tế bước vào thời kỳ đổi mới và hội nhập, nhân dân thực hiện chuyển đổi diện tích trồng cói sang sản xuất chuyên canh thủy sản, trồng lúa năng suất, chất lượng cao nên diện tích cói của huyện ngày càng giảm. Diện tích cói của huyện Kim Sơn năm 2003 có 1.924 ha, đến nay diện tích chỉ còn rải rác ở 1 số địa phương như xã Đồng Hướng, Thượng Kiệm, Lai Thành, Văn Hải, Công ty TNHHMTV Bình Minh….Có thời kỳ cả làng, cả xã làm nghề thủ công truyền thống sản xuất chế biến cói những nay chỉ còn tập trung phần lớn ở các làng nghề.

 

Cho dù diện tích cói giảm đi nhiều nhưng nghề tiểu thủ công nghiệp đã gắn bó với người dân Kim Sơn hàng trăm năm qua vẫn được gìn giữ và phát huy. Giờ đây tuy không còn cảnh cả làng hay cả xã tập trung sản xuất các mặt hàng từ cây cói, nhưng trong các làng nghề vẫn còn rất nhiều hộ gia đình “cha truyền, con nối” yêu mến, gìn giữ nghề truyền thống từ đời ông, cha ta để lại. Và cùng với dòng chảy của thời gian, họ vẫn cần cù, miệt mài sáng tạo ra sản phẩm thủ công truyền thống độc đáo, thân thiện với môi trường để trao đổi thương mại và lưu giữ các giá trị văn hoá, lịch sử của làng nghề thủ công truyền thống.

               

Nguyễn Chinh – Đài truyền thanh huyện

Một cửa điện tử
Văn bản điện tử
Bình chọn

Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?

Văn bản mới
Xem thêm
Thống kê truy cập

Lượt truy cập: 2126418

Trực tuyến: 212

Hôm nay: 1701