Trang Thông tin điện tử

Huyện Kim Sơn

Thứ năm, 21/11/2024

Chào mừng bạn đến với Trang thông tin điện tử huyện Kim Sơn

Giải pháp nào cho tỷ lệ giảm sinh con thứ 3 ở Kim Sơn ?

Thứ năm, 30/09/2021 5538 lượt xem
  • Đánh giá cho bài viết:
  • 0 điểm ( 0 đánh giá )

Thời gian gần đây, tình trạng sinh con thứ 3 trở lên trên địa bàn huyện có xu hướng tăng trở lại, huyện Kim Sơn đang có những giải pháp để hạn chế thực trạng này.

 

Trao đổi với đồng chí Trần Thị Lệ Dung – Trưởng phòng dân số, Trung tâm y tế huyện được biết: Tình trạng sinh con thứ 3 trở lên trên địa bàn huyện đang có xu hướng tăng trở lại, năm 2016 tỷ lệ sinh con thứ 3 là 23,5% đến năm 2020 đã tăng lên 35.7%. Nguyên nhân dẫn đến thực trạng này là do tư tưởng “trọng nam, khinh nữ”, có con trai để “nối dõi tông đường”, “đông con hơn đông của” vẫn còn tồn tại trong tiềm thức của nhiều gia đình, nhất là vùng vùng sâu, vùng xa; ở các xã ven biển lại thích đông con để kế nghiệp nghề biển. Thêm vào đó, những gia đình có đời sống kinh tế khó khăn, việc tiếp cận các dịch vụ, cách sử dụng các biện pháp kế hoạch hóa gia đình còn nhiều hạn chế. Tình trạng sinh con thứ 3 cũng thường xảy ra ở các gia đình sinh con một bề, đã sinh 2 con trai hoặc 2 con gái đều muốn sinh thêm để có nếp, có tẻ. Còn có những gia đình kinh tế khá giả thì lại muốn đông con cho vui cửa vui nhà, để nương tựa lúc tuổi già, nhiều con là nhiều phúc, nhiều lộc.

 

Ngoài ra, những xã có tỷ lệ sinh con thứ 3 nhiều là do công tác tuyên truyền, vận động chưa phong phú, chưa có sự huy động của cả hệ thống chính trị vào cuộc mà vẫn còn phó mặc cho đội ngũ cộng tác viên dân số. Bên cạnh đó, một số chính sách của Đảng và nhà nước mới ban hành có điều chỉnh, bổ sung một số quy định trong chính sách DS KHHGĐ khiến một bộ phận cán bộ, đảng viên, người dân hiểu sai hoặc cố tình “lách luật” để sinh thêm con. Năm 2020, toàn huyện có 47 cán bộ đảng viên sinh con thứ 3 đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến công tác tuyên truyền, vận động của ngành dân số.

Công tác truyền thông vận động tại gia đình với phương châm “mưa dầm thấm lâu”

 

Việc tăng tỷ lệ sinh con thứ 3 có tác động đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, kinh tế khó khăn kéo theo hệ lụy trẻ em không được chăm lo học hành chu đáo, tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ tăng cao, chất lượng dân số giảm, mất cân bằng giới tính khi sinh. Nhằm giảm tỷ lệ sinh con thứ 3 giai đoạn 2020 – 2025 xuống còn 25%, huyện Kim Sơn đã thực hiện đồng bộ các giải pháp phù hợp với thực tiễn địa phương nhằm kiểm soát tình trạng tăng tỷ lệ con thứ 3 trở lên.

 

Theo đó, huyện tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đồng thời xây dựng kế hoạch chỉ đạo cụ thể đối với công tác Dân số - Kế hoạch hóa gia đình theo từng thời điểm. Huyện kiện toàn Ban chỉ đạo công tác DS-KHHGĐ, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên, xây dựng kế hoạch phối hợp liên ngành nhằm tổ chức, huy động sự tham gia của các ban, ngành, đoàn thể, thực hiện có hiệu quả công tác DS-KHHGĐ trên địa bàn. Các thành viên của Ban chỉ đạo được phân công phụ trách các xã, thị trấn nhằm đi sâu, đi sát nắm bắt tình hình và chỉ đạo điều tra thông tin về dân số, số lượng trẻ em, số cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, những đối tượng có nguy cơ sinh con thứ 3 trở lên...Theo thống kê hiện trên địa bàn huyện có 29.995 phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, đây là nhóm đối tượng ngành dân số xác định tập trung vào công tác tuyên truyền vận động thay đổi nhận thức trong thực hiện công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình, áp dụng các biện pháp tránh thai tối ưu nhất, phù hợp.

Với tỷ lệ đồng bào theo đạo Công giáo đông, chiếm 47% dân số, ngành Dân số phối hợp chặt chẽ với các giáo xứ trong việc rao giảng chính sách DS-KHHGD trước hôn nhân, để các thanh niên và nhất là nam thanh niên - “trụ cột” gia đình trong tương lai nắm vững kiến thức về SKSS, DS-KHHGĐ, các quy định về chính sách dân số, KHHGĐ. Để từ đó có cách nhìn mới về việc áp dụng các biện pháp kế hoạch hóa gia đình “không chỉ riêng ai” mà cần có sự "thuận vợ, thuận chồng”.

 

Một trong các biện pháp được huyện Kim Sơn triển khai thực hiện và là một trong những yếu tố tiên quyết nhằm giảm tỷ lệ sinh con thứ 3 đó là công tác tuyên truyền, vận động với mong muốn thay đổi nhận thức của các tầng lớp nhân dân từ hệ tư tưởng phong kiến đến hiện đại. Theo đó, huyện Kim Sơn đã đa dạng công tác tuyên truyền từ tuyên truyền trên hệ thống đài truyền thanh, tuyên truyền cổ động trực quan, tuyên truyền trên mạnh xã hội qua nhóm zalo, facebook với nội dung ngắn gọn, dễ hiểu về hệ lụy và tác động của việc sinh nhiều con cũng như tác động của nó đến sự phát triển kinh tế, xã hội. Đặc biệt chú trọng phát huy vai trò của 350 cộng tác viên dân số ở 25 xã, thị trấn- đây là lực lượng nòng cốt “đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà, rà từng đối tượng” kiên trì thực hiện vận động tại gia đình để “mưa dầm thấm lâu” trong thực hiện công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình; thực hiện truyền thông, tư vấn nhóm nhỏ, tư vấn trực tiếp qua các đợt chiến dịch chăm sóc SKSS, nói chuyện chuyên đề về dân số, SKSS, KHHGĐ, việc tổ chức thực hiện được linh hoạt về thời gian, địa điểm thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia. Đặc biệt, xác định nam giới có vai trò quan trọng trong công tác DS- KHHGĐ, các địa phương cũng quan tâm chỉ đạo việc thành lập các câu lạc bộ "Tiền hôn nhân", "Nam nông dân với 6 chuẩn mực" nhằm thu hút, vận động đối tượng là nam giới vào cuộc trong công tác DS- KHHGĐ và họ thấy được trách nhiệm của bản thân trong việc giảm tỷ lệ sinh con thứ 3, xây dựng gia đình hạnh phúc.

 

Ngoài các biện pháp trên, rất cần đến sự thay đổi trong nếp nghĩ, cách nhìn của một bộ phận nhân dân, không phải cứ níu theo tư tưởng có con trai để nối dõi hay đông con nhiều của mà là sinh con ra làm sao phải nuôi dạy con cho tốt, là người có ích cho xã hội thì tình trạng sinh con thứ 3 trở lên và mất cân bằng giới tính mới được giảm thiểu, duy trì ở mức ổn định, chất lượng dân số được nâng cao.

Nguyễn Chinh

Một cửa điện tử
Văn bản điện tử
Bình chọn

Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?

Văn bản mới
Xem thêm
Thống kê truy cập

Lượt truy cập: 2126425

Trực tuyến: 215

Hôm nay: 1708