Trang Thông tin điện tử

Huyện Kim Sơn

Thứ tư, 03/07/2024

Chào mừng bạn đến với Trang thông tin điện tử huyện Kim Sơn

Đồ ăn vặt - Hiểm họa treo trước cổng trường

Thứ sáu, 24/08/2018 1947 lượt xem
  • Đánh giá cho bài viết:
  • 0 điểm ( 0 đánh giá )

Dạo qua cổng các trường học trên địa bàn huyện Kim Sơn, không khó để nhận thấy sự xuất hiện của các hàng, quán bán đồ ăn vặt, ít thì 1 hàng, nhiều thì đến 5-7hàng. Cứ mỗi giờ tan học, các “thượng đế nhí” lại vậy quanh nhưng sạp hàng tạm bợ để “tẩm bổ”cho mình những món quà vặt sau mỗi buổi tan trường. Nhưng những món ăn vặt này có xuất xứ như thế nào? Thành phần ra sao? Có an toàn hay không thì chắc chắn không ai đảm bảo được.
 
Chúng tôi có mặt tại khu vực trường tiểu học Phát Diệm, đúng 16h30p chiều, trống tan học vừa điểm, học sinh ùa ra và nhanh chóng túm tụm tại các quán đồ ăn vặt. Trên những sạp hàng bày bán rất nhiều loại đồ ăn vặt, hình thức đẹp, đa dạng về mẫu mã, màu sắc rực rỡ và bắt mắt như bim bim, kẹo dẻo, omai v..v.
 
Theo quan sát của phóng viên, món đồ được các em nhỏ mua nhiều nhất đó là các gói có ghi Hổ kaka, mỳ cay hải sản, bim bim đậu bò, ô mai nho, kẹo nổ. Giá cả rất phù hợp với túi tiền xin được từ bố mẹ, người thân, chỉ từ 500 đến 2000 đồng là các em học sinh có thể mời nhau.

Những món đồ ăn vặt được trẻ em ưa thích


Mua thử 1 gói Hổ Kaka, với bao bì lòe loẹt, in cả tiếng Việt, tiếng Thái Lan, tiếng Trung Quốc, lời quảng cáo “Đậu nành với hương vị thiên nhiên” gói này được ghi nơi sản xuất ở Song Phương, Hoài Đức, Hà Nội, hạn sử dụng in mờ, không rõ là ngày tháng nào hết hạn . Mở ra bên trong là các miếng đồ ăn được tẩm dầu mỡ có màu nâu đen, có mùi khét nồng, nửa mặn nửa ngọt tương tự như mùi ngũ vị hương, khi ăn vào có cảm giác dai dai, lợ lợ. Sau khi thử ngâm vào nước, bằng mắt thường chúng ta có thể nhận thấy lớp váng dầu nổi lên nhanh, nhiều, cùng với những hạt li ti không rõ là loại gia vị gì. Bà Nguyễn Thị Diệu người bán hàng tại cổng trường Tiểu học Phát Diệm cho biết: “Những thứ đồ ăn vặt này người ta đi đổ buôn thì tôi lấy về bán, thấy trẻ ăn nhiều món gì  thì lấy món đó. Thấy ghi nơi sản xuất ở Hoài Đức, Hà Tây rồi Hải Phòng nhưng mà chắc theo công nghệ của Trung Quốc, nhưng trẻ con ăn mãi có sao đâu”
 

Gói Hổ ka ka và đồ ăn bên trong


Ngoài những đồ ăn đã đóng gói sẵn thì những loại thức ăn nhanh như xúc xích rán, siro đá bào, trà sữa trân châu, nem chua rán, xiên rau củ khá đa dạng nhưng lại không ít nỗi lo vì không được che đậy, xuất xứ của nguyên liệu cũng không rõ ràng, dầu mỡ dùng để chiên rán không đảm bảo. Nhưng vì hương vị hấp dẫn và sự tiện lợi mà nhiều phụ huynh vẫn cho con em mình ăn những thức ăn đó. Chị Nguyễn Thị Hạnh chia sẻ: “Do công việc bận rộn nên mình không có thời gian nấu ăn sáng cho con mà hay cho con tiền ăn sáng, con thích ăn món gì thì tự mua. Biết là thức ăn cổng trường không đảm bảo nên mình chỉ dặn con ăn bánh bao, bánh mì, uống sữa tươi”.                              
 
Không chỉ ở khu vực trường tiểu học Phát Diệm mà tại tất cả các cổng trường học trên địa bàn huyện đều có sự xuất hiện của các hàng quán bán đồ ăn vặt. Vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, nhất là ở các khu vực cổng trường đã được các ngành chức năng và nhà trường liên tục cảnh báo; nhiều trường còn có chủ trương cấm học sinh ăn quà vặt, nhưng việc ngăn chặn, dẹp bỏ những hàng quán ăn vặt trước cổng trường vẫn là vấn đề nan giải. Nguyên nhân là do các trường học đều nằm ngay trong các khu dân cư. Nhiều hộ gia đình tận dụng lợi thế đó để mở các quán nhỏ kinh doanh, phục vụ nhu cầu của các “thượng đế nhí”. Nhiều phụ huynh có tâm lý chiều con, cho con tiền ăn sáng, tiền ăn quà vặt đã vô tình tiếp tay cho những hàng quán trước cổng trường tồn tại.

Các em học sinh tập trung tại các quán đồ ăn vặt sau giờ học (Ảnh sưu tầm)


Tuy trên địa bàn huyện Kim Sơn chưa có những vụ ngộ độc thực phẩm lớn do sử dụng đồ ăn vặt cổng trường nhưng những vụ nhỏ lẻ, gây đau bụng, tiêu chảy, thậm chí phải cấp cứu do ngộ độc đồ ăn vặt thì đã có. Trên cả nước cũng đã có nhiều vụ ngộ độc được ghi nhận như: vào năm 2013, sau khi ăn mực khô, bánh ngọt tại một quán bán hàng gần cổng trường, 2 học sinh ở huyện Tuy An (Phú Yên) phải nhập viện vì có biểu hiện đau đầu, chóng mặt và nôn mửa.  Năm 2014, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai đã tiếp nhập cấp cứu 14 học sinh lớp 6/3 của Trường THCS Tam Hòa (TP Biên Hòa, Đồng Nai).Các học sinh nhập viện trong tình trạng nôn ói, đau bụng, hoa mắt, chóng mặt. Bệnh viện xác định các học sinh bị ngộ độc thực phẩm. Các học sinh cho biết, đầu buổi học đã ăn bánh tráng trộn, bánh flan, trái cây ngâm trước cổng trường và nhiều trường hợp khác.
 
Đồ ăn cổng trường kém chất lượng ngoài việc mang lại những tác hại ngay tức thì như ngộ độc, tiêu chảy thì còn mang đến những hậu quả lâu dài như béo phì, chậm phát triển trí tuệ, tăng khả năng trầm cảm do những thành phần hóa học được sử dụng trong chế biến.  Ngoài ra, việc tụ tập ở các hàng quán công trường còn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.
 
Để giảm thiểu nguy cơ ngộ độc từ những món quà vặt trước cổng trường học, các cơ quan chức năng cần tích cực phối hợp, sớm đưa ra những giải pháp mang tính lâu dài và để chấm dứt tình trạng hàng quán bày bán tràn lan trước các cổng trường học, nhất là cần có những biện pháp mạnh với các tổ chức, cá nhân bán hàng vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm. Trong khi chờ đợi một giải pháp có hiệu quả hơn cho vấn đề này, mỗi nhà trường cần có biện pháp tuyên truyền phổ biến cho học sinh về vệ sinh an toàn thực phẩm, đồng thời có những giải pháp thiết thực như xây dựng hệ thống căng tin hợp vệ sinh phục vụ nhu cầu ăn uống cho học sinh, kết hợp với gia đình trong việc giáo dục, tạo thói quen không ăn quà vặt cho học sinh khi tới trường.
 

Diệu Hoa – Đài Truyền thanh huyện

Một cửa điện tử
Văn bản điện tử
Bình chọn

Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?

Văn bản mới
Xem thêm
Thống kê truy cập

Lượt truy cập: 1814235

Trực tuyến: 205

Hôm nay: 1577

W88 113.80 - https://139.99.113.80/