Trang Thông tin điện tử

Huyện Kim Sơn

Thứ ba, 16/07/2024

Chào mừng bạn đến với Trang thông tin điện tử huyện Kim Sơn

Địa chí huyện Kim Sơn: Công trình khoa học góp phần giáo dục truyền thống và lịch sử

Thứ sáu, 12/07/2024 535 lượt xem
  • Đánh giá cho bài viết:
  • 20 điểm ( 5 đánh giá )

Xác định vai trò quan trọng của việc giáo dục truyền thống, của công tác tư tưởng-văn hoá, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá. Huyện Kim Sơn đã xây dựng cuốn sách "Địa chí Kim Sơn" làm tư liệu giúp cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu được lịch sử, là cơ sở khoa học đề ra và thực hiện các chính sách, các giải pháp cho việc phát triển bền vững phát triển kinh tế- xã hội của địa phương.

“Địa chí” là một công trình khoa học, có giá trị như một Bách khoa thư diễn giải, có hệ thống về các yếu tố tự nhiên, dân cư, chính trị, lịch sử, đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của một đất nước cũng như của các địa phương. Nét đặc trưng của loại sách này là phản ánh đầy đủ mối quan hệ tác động của thiên-địa-nhân. Bởi vậy, địa chí là loại sách có giá trị thực tiễn cao, góp phần tích cực giáo dục truyền thống cách mạng, lịch sử, lòng yêu quê hương đất nước, niềm tự hào dân tộc cho các thế hệ hôm nay và mai sau.

Bản đồ hành chính huyện Kim Sơn hiện nay.

Kim Sơn là vùng đất ra đời từ công cuộc khẩn hoang vùng bãi bồi đầy lau sậy và sú vẹt dưới sự tổ chức và điều hành của Dinh điền sứ Nguyễn Công Trứ năm Kỷ Sửu 1829. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, các thế hệ người dân Kim Sơn đã vượt qua mọi khó khăn, thử thách, đoàn kết, chung sức, chung lòng, vươn ra biển cả, quyết chí làm giàu, xây dựng vùng đất mới, con người mới, mang đậm đà bản sắc văn hoá của một vùng đất ven biển. Trong các cuộc đấu tranh chống giặc ngoại xâm, lớp lớp các thế hệ người dân Kim Sơn đã không tiếc máu xương, góp sức người, sức của, cùng với nhân dân cả nước lập nên nhiều chiến công hiển hách, viết lên những trang sử vẻ vang trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc.

Ngay từ  năm 1980, việc nghiên cứu, biên soạn, xuất bản các ấn phẩm về lịch sử phát triển của huyện Kim Sơn đã được Ban Chấp hành Đảng bộ huyện qua các nhiệm kỳ quan tâm lãnh đạo. Từ năm 1991 đến năm 2008, đã xuất bản 4 cuốn Lịch sử Đảng bộ huyện. Năm 2019, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện khoá XXIV đã xuất bản cuốn Lịch sử Đảng bộ huyện Kim Sơn (Giai đoạn 1947-2017) trên cơ sở tổng hợp, chắt lọc từ 4 cuốn trên. Năm 2012, xuất bản cuốn Công cuộc khẩn hoang thành lập huyện Kim Sơn năm 1829, Văn kiện Đại hội Đảng bộ huyện qua các nhiệm kỳ; các Tập san; tài liệu tuyên truyền khác. Các ấn phẩm nêu trên đã phác hoạ được những nét cơ bản về truyền thống lịch sử, chính trị, kinh tế, văn hoá, quá trình phát triển của huyện qua từng giai đoạn, song chưa mang tính hệ thống, chưa đề cập được toàn diện về mọi mặt của đời sống xã hội, văn hoá, con người và mảnh đất Kim Sơn. Chính vì vậy đòi hỏi phải có một công trình khoa học chuyên sâu hơn, từ đó hình thành ý tưởng xây dựng cuốn “Địa chí Kim Sơn”.

Nhằm biên soạn một cuốn sách phác họa toàn diện truyền thống lịch sử, chính trị, kinh tế, văn hóa, quá trình phát triển của huyện qua từng giai đoạn. Tháng 4 năm 2023, Huyện ủy Kim Sơn phối hợp với Viện Địa lý nhân văn (thuộc Viện Hàn Lâm Khoa học xã hội Việt Nam) thực hiện Đề tài khoa học "Địa chí Kim Sơn".

Theo dự thảo đề cương cuốn "Địa chí Kim Sơn" có 7 phần, 24 chương giới thiệu đầy đủ về mảnh đất, con người Kim Sơn như: Địa lý và dân cư; lịch sử và truyền thống đấu tranh; về chính trị, kinh tế, văn hóa-xã hội, quốc phòng-an ninh; giới thiệu về các xã, thị trấn; các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể của huyện.

Theo ông Trần Anh Học, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, nguyên Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam Tỉnh, nguyên Bí thư Huyện ủy Kim Sơn cho rằng, việc biên soạn cuốn “Địa chí Kim Sơn: “Đây là một công trình khoa học có tính lịch sử sâu sắc và tổng hợp về huyện Kim Sơn. Thông qua cuốn “Địa chí Kim Sơn, người đọc có thể nắm được những đặc điểm cơ bản của huyện nhà, biết được quá trình Kim Sơn biến đổi từ một vùng lau sậy, bùn lầy thành vùng đất “Núi Vàng” trù phú, nhiều dư địa phát triển như hiện nay sau 9 lần quai đê lấn biển. Cuốn sách “Địa chí Kim Sơn” được xuất bản sẽ là cẩm nang tri thức để người dân Kim Sơn hiện tại và sau này tìm hiểu và biết được những đặc điểm riêng biệt về lịch sử phát triển chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, tôn giáo và nhiều vấn đề của địa phương. Từ đó phát huy được tinh thần đoàn kết, cần cù, không ngại khó khăn của cha ông ta những ngày đầu đi mở đất.”

Ông Trần Anh Học, nguyên Bí thư Huyện ủy Kim Sơn tham gia ý kiến tại Hội thảo cuốn sách “Địa chí Kim Sơn” giai đoạn 1.

“Địa chí Kim Sơn” do Huyện ủy Kim Sơn phối hợp với Viện Địa lí nhân văn thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam thực hiện từ tháng 4/2023. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Xuân Đính, Nguyên Trưởng Phòng nghiên cứu tộc người Việt (Viện Dân tộc học) được mời làm Chủ biên; Tiến sĩ Trần Ngọc Ngoạn, nguyên Viện trưởng Viện Địa lí nhân văn, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Địa lí nhân văn đồng chủ biên. Đề tài đã thu hút 20 nhà khoa học tham gia, gồm 1 Giáo sư, 1 PGiáo sư, 13 Tiến sĩ và 5 Thạc sĩ. Sau thời gian thực hiện, đến nay Ban biên soạn đã hoàn thành giai đoạn 1 của cuốn sách với nội dung 5 phần (Địa lý, Lịch sử, Chính trị, Kinh tế, Phụ lục); còn lại 2 phần về Văn hóa-xã hội và các xã, thị trấn đang được các nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện.

 Việc biên soạn cuốn “Địa chí Kim Sơn” được Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Xuân Đính, Nguyên Trưởng Phòng nghiên cứu tộc người Việt (Viện Dân tộc học), Chủ biên, chia sẻ: “Với mong muốn việc biên soạn cuốn sách đảm bảo chất lượng, đúng tiến độ, Ban biên soạn đã nhiều lần xin ý kiến và thống nhất các tư liệu trong cuốn sách. Mong muốn thể hiện được rõ những nét đặc trưng nổi bật nhất về trang sử khai hoang mở đất, chống giặc ngoại xâm và trong công cuộc đổi mới ngày nay của huyện Kim Sơn, đặc điểm về dân cư, phát triển kinh tế, văn hoá-xã hội, quốc phòng-an ninh trên địa bàn huyện. Các nhà khoa học đã tập trung cao độ cho công tác biên soạn và hoàn thành nội dung 5 phần của cuốn sách, kịp thời gửi về xin ý kiến các đồng chí lãnh đạo huyện và nguyên lãnh đạo huyện qua các thời kỳ, sau đó bổ sung, chỉnh sửa cho phù hợp”.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Xuân Đính, Nguyên Trưởng Phòng nghiên cứu tộc người Việt (Viện Dân tộc học) , Chủ biên cuốn sách “Địa chí Kim Sơn”

Để việc biên soạn cuốn sách đảm bảo chất lượng, đúng tiến độ, dự kiến xuất bản vào dịp Đại hội Đảng bộ huyện Kim Sơn lần thứ XXV, nhiệm kỳ 2025-2030. Trong thời gian này, Ban biên soạn tiếp tục lấy ý kiến đóng góp của các đồng chi nguyên Thường trực Huyện uỷ, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Huyện uỷ, các đồng chí trong Ban Thường vụ Huyện uỷ. Các nhà khoa học, chủ biên cuốn sách sẽ tiếp thu các ý kiến góp ý, hoàn thiện nội dung 5 phần trong giai đoạn I của cuốn sách, khẩn trương hoàn thiện 2 phần còn lại để bàn giao, nghiệm thu và tổ chức Hội thảo vào tháng 10 năm 2024; phấn đấu đến cuối tháng 12 năm 2024 hoàn thiện toàn bộ nội dung cuốn sách.

 “Địa chí Kim Sơn” là tâm huyết của lãnh đạo huyện Kim Sơn qua nhiều thời kỳ với mong muốn để lại cho hậu thế một công trình khoa học nghiên cứu sâu sắc, đậm nét về quá trình phát triển của huyện nhà.

Việc xây dựng cuốn sách “Địa chí Kim Sơn” có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là tài liệu phục vụ việc tuyên truyền, giáo dục truyền thống, tôn vinh và phát huy các giá trị văn hóa, thành tựu kinh tế, xã hội của địa phương. Cuốn địa chí tựa như một “Bia đá” lưu lại những giá trị vật chất, giá trị tinh thần mà chúng ta đang thừa kế của tiền nhân và trao truyền cho hậu thế, để lớp lớp người dân Kim Sơn sau này tiếp tục xây dựng kiến thiết, góp phần làm cho quê hương với tên gọi hai chữ “Kim Sơn Núi vàng” tỏa sáng hơn nữa, khơi dậy trong mỗi người ý chí, khát vọng, niềm tự hào, xây dựng huyện nhà ngày thêm vững về chính trị, mạnh về kinh tế, trở thành cực tăng trưởng mới của tỉnh Ninh Bình trong tương lai gần.

                                                  Diệu Hoa

Góp ý của nhân dân
Một cửa điện tử
Văn bản điện tử
Bình chọn

Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?

Văn bản mới
Xem thêm
Thống kê truy cập

Lượt truy cập: 1838338

Trực tuyến: 38

Hôm nay: 531