Trang Thông tin điện tử

Huyện Kim Sơn

Thứ sáu, 29/03/2024

Chào mừng bạn đến với Trang thông tin điện tử huyện Kim Sơn

Đẩy mạnh tiêm vắc-xin phòng COVID-19 mũi nhắc lại và bổ sung

Thứ sáu, 15/07/2022 534 lượt xem

Sau hơn 2 năm dịch bệnh COVID-19 bùng phát, hiệu quả của tiêm vắc xin phòng COVID-19 được xem là chìa khóa quan trọng để chủ động phòng chống dịch, bảo vệ sức khỏe của nhân dân và duy trì bền vững các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội. Hiện nay, biến thể Omicron đã xuất hiện tại Việt Nam với nguy cơ phức tạp và khó lường. Trong khi đó, hiệu quả vắc xin phòng COVID-19 suy giảm theo thời gian. Vì vậy, việc người dân tiêm vắc xin phòng COVID-19 mũi 3, 4 là rất cần thiết để nhắc lại miễn dịch, bảo vệ sức khỏe bản thân và cộng đồng. 

 

Theo thông tin từ TTYT huyện, tính đến ngày 14/7, trên địa bàn huyện tổng số người đã tiêm vắc xin phòng COVID-19 là 423.768 người. Trong đó, mũi 1 là 141.757 người, mũi 2 là 134.031 người, mũi 3 là 79.351 người, mũi 4 là 33.233 người, mũi bổ sung là 35.396 người. Đối tượng từ 12 – 17 tuổi, tiêm mũi 1 là 15.385 người, mũi 2 là 13.689 người, mũi 3 là 6.829 người. Trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi mũi 1 là 10.611 người, mũi 2 là 5.808 người. Công tác tiêm vắc-xin luôn được cấp ủy Đảng, chính quyền từ huyện đến cơ sở quan tâm chỉ đạo sát sao, ngành Y tế và các địa phương chú trọng thực hiện, đảm bảo yêu cầu đề ra, góp phần quan trọng bảo vệ sức khỏe nhân dân và thúc đẩy phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Để đảm bảo công tác an toàn tiêm chủng vắc-xin phòng COVID-19, ngành Y tế đã xây dựng phương án cụ thể, sát với từng đợt tiêm, bệnh viện Đa khoa huyện và Trung tâm Y tế hỗ trợ các điểm tiêm. Cán bộ, nhân viên y tế tham gia tiêm chủng đều được tập huấn trước mỗi đợt tiêm đảm bảo thực hiện đúng quy trình tiêm chủng an toàn, theo dõi sau tiêm chủng, xử trí, cấp cứu kịp thời các trường hợp phản ứng sau tiêm chủng.

Tiêm vắc xin phòng COVID-19 là chìa khóa quan trọng để chủ động phòng chống dịch, bảo vệ sức khỏe bản thân và cộng đồng

 

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, trong cộng đồng vẫn có những người chưa hiểu rõ hết về lợi ích của tiêm vắc xin phòng COVID-19 hoặc chủ quan cho rằng đã tiêm đủ liều cơ bản (mũi 1, mũi 2), hoặc đã mắc COVID-19 thì không cần tiêm mũi nhắc lại (mũi 3, mũi 4), thậm chí có người cho rằng vắc xin phòng COVID-19 gây ảnh hưởng không tốt tới sức khỏe, hoặc đây là dịch bệnh có triệu chứng nhẹ nên không cần tiêm vắc xin. Vì vậy khi đã tới thời hạn tiêm mũi 3, mũi 4 vẫn còn nhiều người trì hoãn tiêm. Hiện nguy cơ dịch bệnh Covid-19 vẫn luôn tiềm ẩn khó lường, nhất là sự xuất hiện của biến thể phụ BA.4, BA.5 của Omicron với tốc độ lây lan nhanh. Việc trì hoãn tiêm vắc xin các mũi tiếp theo khiến cơ thể không được bảo vệ liên tục, có thể làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh. Đối với các trường hợp F0 không triệu chứng, hoặc triệu chứng nhẹ khi mắc COVID-19 hiện vẫn phải cách ly, điều trị khiến sức khỏe suy giảm, công việc gián đoạn, thu nhập ảnh hưởng. Riêng trường hợp F0 có bệnh lý nền, bệnh mãn tính phải đối mặt với nhiều nguy cơ bệnh diễn tiến nặng, thời gian điều trị kéo dài. Điều này, sẽ tăng thêm gánh nặng lên hệ thống y tế, như chi phí điều trị, nhân lực.

 

Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chỉ ra rằng, các kháng thể sẽ suy giảm theo thời gian, khả năng sinh miễn dịch của một số loại vắc xin cho thấy các kháng thể sẽ tồn tại ít nhất 6 tháng. Mặc dù vắc xin có thể mất khả năng bảo vệ chống lại việc nhiễm SARS-CoV-2 theo thời gian, nhưng khả năng bảo vệ chống lại bệnh nặng vẫn được duy trì lâu dài. Do vậy, việc tiêm liều bổ sung và liều nhắc lại vắc xin phòng COVID-19 là rất cần thiết. Cũng theo WHO, liều nhắc lại vắc xin phòng COVID-19 là liều vắc xin được sử dụng cho những người đã hoàn thành đủ số mũi tiêm cơ bản theo hướng dẫn của nhà sản xuất vắc xin (có thể là một hoặc hai liều vắc xin COVID-19 tùy thuộc vào loại vắc xin). Mục tiêu của liều nhắc lại này là khôi phục hiệu quả của vắc xin mà từ đó được coi là không còn đủ hiệu quả bảo vệ nữa. Liều bổ sung vắc xin phòng COVID-19 là liều vắc xin bổ sung có thể cần thêm cho những người mà tỷ lệ đáp ứng miễn dịch được coi là không đủ sau khi đã tiêm đủ số mũi tiêm của liều cơ bản. Mục tiêu của liều bổ sung này là tối ưu hóa hoặc tăng cường đáp ứng miễn dịch để thiết lập mức hiệu quả bảo vệ đủ để chống lại COVID-19. Đặc biệt, đối với những người bị suy giảm miễn dịch hay người cao tuổi thường không đạt được phản ứng miễn dịch đủ để bảo vệ sau khi đã tiêm đủ số mũi vắc xin cơ bản.

 

Để tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe của nhân dân, tạo nền tảng quan trọng đẩy nhanh tiến độ phục hồi phát triển kinh tế. Kim Sơn tăng cường công tác tiêm vắc xin phòng COVID-19, tiếp tục nâng cao hiệu quả sử dụng vắc-xin, tăng nhanh diện bao phủ vắc-xin trong cộng đồng. Đẩy mạnh tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng về lợi ích của việc tiêm ngừa vắc xin liều bổ sung, nhắc lại. Đồng thời, thực hiện phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà” tìm hiểu nguyên nhân, tuyên truyền vận động để người dân hiểu đúng, hiểu đủ về việc tiêm các mũi vắc xin liều bổ sung, liều nhắc lại theo khuyến cáo. Bố trí các điểm tiêm cố định, lưu động trên địa bàn để người dân biết chủ động đến tiêm vắc xin phòng COVID-19.

 

Trước sự xuất hiện các biến thể mới của vi rút SARS-COV-2, dịch bệnh có nguy cơ bùng phát trở lại, vì vậy, cùng với nỗ lực của các cấp, các ngành, công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-9 cần có sự đồng thuận, hợp tác tích cực của mỗi người dân, nêu cao tinh thần trách nhiệm, đi tiêm vắc xin phòng COVID-19 theo hướng dẫn của ngành y tế để bảo vệ sức khỏe của bản thân, gia đình và cộng đồng.

 

Nguyễn Chinh


 

 

 

 

Một cửa điện tử
Văn bản điện tử
Bình chọn

Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?

Thống kê truy cập

Lượt truy cập: 1352784

Trực tuyến: 37

Hôm nay: 1976