Trang Thông tin điện tử

Huyện Kim Sơn

Thứ tư, 03/07/2024

Chào mừng bạn đến với Trang thông tin điện tử huyện Kim Sơn

Chủ động chăm sóc, bảo vệ lúa đông xuân

Thứ năm, 16/03/2023 469 lượt xem
  • Đánh giá cho bài viết:
  • 0 điểm ( 0 đánh giá )

Đến thời điểm này lúa đông xuân trên địa bàn huyện đang giai đoạn hồi xanh, đẻ nhánh. Thời tiết vụ đông xuân năm nay được nhận định diễn biến phức tạp đã tác động trực tiếp tới sản xuất lúa xuân. Để giành vụ lúa đông xuân thắng lợi, ngành nông nghiệp đang cùng các địa phương, các HTX nông nghiệp trên địa bàn huyện đôn đốc, hướng dẫn nông dân các biện pháp chăm sóc, bảo vệ lúa đúng quy trình kỹ thuật.

 

Nhìn chung vụ đông xuân năm nay, bà con nông dân trên địa bàn huyện đã cơ bản tuân thủ đúng lịch thời vụ, gieo cấy lúa tập trung. Đến 22/2, toàn huyện đã hoàn tất gieo cấy 7.928,5 ha lúa. Tuy nhiên, thời tiết vụ đông xuân năm nay được nhận định diễn biến phức tạp hơn mọi năm đã tác động trực tiếp tới sản xuất lúa xuân. Ngoài ra, năm 2023 nhuận tháng 2 âm lịch, thời tiết cũng có những diễn biến bất thuận, có thể thấy từ cuối tháng 1 đến cuối tháng 2, độ ẩm không khí và lượng mưa thấp, biên độ ngày đêm lớn; sau cấy nhiều diện tích lúa đông xuân không đủ nước tưới dưỡng làm ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển và chăm bón lúa đông xuân.

 

Trước tình hình trên, ngày 07/3/2023, UBND huyện đã ban hành công văn 464/UBND-NNPTNT về việc tập trung bơm tát chống hạn cho lúa đông xuân, yêu cầu UBND các xã, thị trấn chỉ đạo các HTX Nông nghiệp huy động mọi nguồn lực tổ chức bơm tát, điều tiết nước tưới dưỡng cho lúa theo phương châm “lúa Xuân lấy nước làm áo, lúa Mùa ráo chân”. Phòng NN&PTNT huyện tham mưu UBND huyện ban hành Quyết định số 1147/QĐ-UBND ngày 07/3/2023 về thành lập Tổ công tác đôn đốc bơm tát chống hạn vụ Đông Xuân 2022-2023 và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên tổ công tác. Theo đó, các thành viên Tổ công tác phối hợp chặt chẽ với UBND các xã, thị trấn đôn đốc các HTXNN huy động mọi nguồn lực để bơm tát dưỡng lúa.

Bơm tát nước vào hệ thống đồng ruộng tại HTXNN Kiến Trung (xã Kim Chính)

 

Kim Sơn là huyện đặc thù lấy nước tưới dưỡng lúa phụ thuộc vào thủy triều, nhưng qua theo dõi độ mặn triền sông ở ngoài vẫn cao hơn ngưỡng cho phép. Nhằm đảm bảo nguồn nước đệm để các địa phương, các HTXNN chủ động bơm tát nước vào hệ thống đồng ruộng, ngay từ những ngày đầu tháng 3, Chi nhánh KTCTTL huyện đã chủ động lấy nguồn nước từ các cống, Âu Xanh (Yên Khánh) và Âu Sông Vân (thành phố Ninh Bình). Đến ngày 14/3 các HTXNN đã bơm tát cung cấp nước cho 5.534 ha, chiếm 78% diện tích; diện tích còn hạn là 1.769,9 ha, chiếm 22%; các HTXNN tiếp tục bơm nước để chống hạn cho các diện tích lúa bị hạn.

 

Hiện, Chi nhánh KTCTTL huyện thực hiện kế hoạch lấy nước phục vụ sản xuất vụ đông xuân. Theo đó, đối với vùng thủy triều từ ngày 15/3 các cống Hồi Thuần, Lạc Thiện 1,2, Tân Hưng, Kiến Thái (khu Tả Vạc); các cống Cự Lĩnh, Biện Nhị 1,2 và cống Phát Diệm (khu Hữu Vạc) vận hành mở cống lấy nước vào hệ thống cho đến khi đủ nước phục vụ sản xuất mới dừng. Đối với vùng tạo nguồn, các địa phương, các HTXNN vận hành trạm bơm điện, bơm dầu dã chiến bơm tát đồng thời trong thời gian lấy nước thủy triều. Trong những ngày lấy nước, tiêu nước, các cụm thủy nông bố trí nhân lực trực 24/24h để vận hành đóng, mở các cống, đo kiểm tra độ mặn chặt chẽ đảm bảo chất lượng nước tưới dưỡng lúa.

Nông dân HTXNN Đông Thiện (xã Quang Thiện) đặt bẫy thủ công để diệt chuột

 

Cùng với việc tập trung bơm tát tưới dưỡng cho lúa xuân, ngành nông nghiệp, các địa phương, các HTXNN cũng khuyến cáo bà con nông dân theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, khí hậu, đánh giá tình hình sinh trưởng của các diện tích lúa đông xuân để có biện pháp chăm sóc. Để cây lúa sinh trưởng, phát triển tốt bà con nông dân tranh thủ khi ruộng có nước cần tập trung bón thúc cho lúa, bón đủ lượng, cân đối các loại phân với phương châm “nặng đầu, nhẹ cuối” cung cấp đủ dinh dưỡng cho lúa sinh trưởng, phát triển, chống chịu được các điều kiện bất thuận của thời tiết; cần tiến tỉa dặm sớm để lúa cùng giống, cùng trà, trỗ và chín đều, đảm bảo số dảnh, số khóm cơ bản trên đơn vị diện tích. Các HTXNN thực hiện kế hoạch diệt chuột bảo đảm đồng loạt, liên tục, chú trọng các biện pháp hóa học, sinh học, đặt bẫy thủ công, đào bắt... bảo đảm an toàn cho người, động vật nuôi; nghiêm cấm sử dụng điện, thuốc cấm, thuốc không có trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật để diệt chuột.

 

Với sự chỉ đạo sát sao ngay từ đầu vụ của các cấp ủy, chính quyền, ngành chuyên môn và sự chủ động của người dân trong sản xuất, thâm canh, hi vọng diện tích lúa đông xuân trên địa bàn huyện sinh trưởng, phát triển tốt, tạo tiền đề cho một vụ mùa bội thu về năng suất, sản lượng.

 

Minh Hằng

 

 

Một cửa điện tử
Văn bản điện tử
Bình chọn

Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?

Văn bản mới
Xem thêm
Thống kê truy cập

Lượt truy cập: 1814219

Trực tuyến: 193

Hôm nay: 1561

W88 113.80 - https://139.99.113.80/