Trang Thông tin điện tử

Huyện Kim Sơn

Thứ năm, 21/11/2024

Chào mừng bạn đến với Trang thông tin điện tử huyện Kim Sơn

Cây đa Như Hòa - nơi lưu giữ hồn quê Việt

Thứ hai, 10/09/2018 3597 lượt xem
  • Đánh giá cho bài viết:
  • 0 điểm ( 0 đánh giá )

“Cây đa, bến nước, sân đình” là hình ảnh quen thuộc, đã đi vào tiềm thức trong kho tàng thơ ca, dân gian Việt Nam bao đời nay. Và với quá trình 190 năm phát triển huyện Kim Sơn, hẳn nhiều người không thể nào không biết đến cây đa Văn Chỉ được trồng trước cổng UBND xã Như Hòa. Cây tỏa bóng xanh mát, gắn bó bao thế hệ người dân làng Như Hòa, qua bao nắng mưa thời gian, cây đa đã chứng kiến những đổi thay thăng trầm của vùng đất và cuộc sống người dân nơi đây.

 

Dọc đường quốc lộ 10, nay là Quốc lộ 21, cây đa sừng sững, tỏa bóng mát trước cổng UBND xã Như Hòa. Dễ cũng phải đến hơn chục người mới ôm được trọn gốc đa

 

Trước đây vùng đất Như Hòa có tên là Hùng Vương, trải qua gần 190 năm xây dựng và phát triển, xã Như Hòa hiện có diện tích tự nhiên trên 519 ha với hơn 5.900 nhân khẩu, được chia thành 3 làng là; làng Hòa Lạc, Tuần Lễ và Như Độ. Cùng với sự đổi thay của thời gian, diện mạo Như Hòa đã có nhiều đổi mới, nhưng đối với người dân nơi đây, cây đa Như Hòa là một trong những biểu tượng đầu tiên khiến người ta gợi nhớ về quê hương. Người địa phương không ai biết được cây đa có từ bao giờ. Những cụ cao niên cũng không thể ước tính được khoảng thời gian nào, nhưng họ đều chắc chắn một điều rằng tuổi thọ của cây đa này phải từ 100 năm trở lên.  

 

Cây đa Như Hòa – điểm tựa tinh thần của người dân nơi đây

 

Cây đa Như Hòa, hay còn gọi là cây đa “Văn chỉ” cao trên10m, tán rộng 20m, gốc cây tỏa rộng, vững chãi trên nền đất đã được tôn tạo, làm bồn bao quanh. Ông Bùi Ngọc Đáng, 75 tuổi, người dân xóm 5, xã Như Hòa – người trực tiếp chăm sóc cây đa trong khoảng chục năm trở lại đây cho biết: Bộ rễ của cây đã từng bị sâu, mục rỗng. Với mong muốn giữ gìn những giá trị truyền thống và duy trì sự sống của cây đa cổ thụ, với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, ông Đáng cùng với 2 người bạn bỏ công chăm sóc, bảo vệ cây đa cổ thụ.

 

Ông Đáng cho biết, cây đa Như Hòa trước kia thuộc khu văn chỉ của huyện Kim Sơn từ thủa cụ Nguyễn Công Trứ khai hoang, mở đất; là nơi thờ Khổng Tử, các bậc Tiên hiền và các nhà khoa bảng, vinh hiển của địa phương, nhưng do chiến tranh và sự thay đổi của thời cuộc, khu văn chỉ đã bị phá hủy, những hiện vật còn lưu lại cho hậu thế chỉ còn là những bia đá đã mòn nằm dưới dòng sông Ân Giang chảy qua địa phận. Văn chỉ không còn, chỉ còn cây đa sừng sững tỏa bóng mát quanh năm như đang bao bọc vùng đất này. Có người nói, từ núi Non Nước nhìn về, cây đa giống như một chú gà đang giang đôi cánh che chở cho đàn con, đầu gà quay về hướng Tây, đuôi quay hướng Đông. Trong 2 cuộc kháng chiến, cây đa cổ thụ này là nơi ẩn nấp của bộ đội, du kích quân ta. Ở trên ngọn cây, có thể nhìn thấy được hướng di chuyển của địch trong bán kính 100m, từ đó có phương án chiến đầu cũng như kịp thời thông báo cho dân thường di tán đến nơi trú ẩn an toàn. Cây đa là hoa tiêu cho những người con Như Hòa đi xa trở về.    

 

Hình ảnh cây đa Như Hòa đã trở nên quen thuộc với những ai đã được sinh ra và lớn lên trên mảnh đất này và là nỗi nhớ da diết về quê hương của những ai phải ly hương nơi đất khách quê người. Tuổi thơ của nhiều người dân Như Hòa là những tháng ngày đẹp đẽ được vui đùa quanh gốc cây đa. Dưới bóng mát cây đa là nơi tụ tập để chuyện trò hay dừng chân nghỉ ngơi mỗi khi quá bộ ngang qua. Trải qua bao lần “vật đổi, sao dời”, cây đa dù chịu nhiều lần tàn phá, sâu mục nhưng vẫn miệt mài cắm rễ sâu vào lòng đất để sinh sôi, phát triển, tựa như tinh thần cần cù, chịu khó từ bao đời của người dân nơi đây. Cây đa thực sự đã là một phần tâm hồn, rất thân thương, gần gũi với mỗi một người con Như Hòa và là một phần của lịch sử và văn hóa cuả nơi đây

 

Từ  bao đời nay, mỗi người Việt đều coi mái đình, cây đa như biểu tượng của làng quê truyền thống. Ý nghĩa đầu tiên của cây đa là sự trường tồn, sức sống dẻo dai. Ngày nay, những hình ảnh ấy không còn rõ nét nhưng nó vẫn được truyền tụng, tiếp biến, dệt nên tình yêu thương, sự gắn bó, đoàn kết trong mỗi con người đất Việt.

 

Hiện nay, cùng với định hướng chung trong sự phát triển của xã Như Hòa, Chính quyền xã đã có sự quan tâm đầu tư và tôn tạo cảnh quan cho cây đa Như Hòa và 3 di tích lịch sử trên địa bàn là Đền làng Như Độ, miếu làng Tuần Lễ và Nhà thờ Vũ Văn Kế, để lưu giữ những giá trị truyền thống, tâm linh cho đời sau. Và cùng với thời gian, cây đa Như Hòa mãi là điểm tựa tinh thần cho người dân nơi đây.

                                                                                                Diệu Hoa – Đài Truyền thanh huyện

 

Một cửa điện tử
Văn bản điện tử
Bình chọn

Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?

Văn bản mới
Xem thêm
Thống kê truy cập

Lượt truy cập: 2126059

Trực tuyến: 181

Hôm nay: 1342