Trang Thông tin điện tử

Huyện Kim Sơn

Thứ năm, 21/11/2024

Chào mừng bạn đến với Trang thông tin điện tử huyện Kim Sơn

Cải tạo, sửa chữa Đền Nguyễn Công Trứ, xã Quang Thiện

Thứ sáu, 15/03/2019 2013 lượt xem
  • Đánh giá cho bài viết:
  • 0 điểm ( 0 đánh giá )

Đền Nguyễn Công Trứ có tên là Truy Tư Từ tọa lạc tại xã Quang Thiện, thờ Dinh điền sứ Nguyễn Công Trứ và các vị chiêu mộ, bán phụ chiêu mộ, nguyên mộ… đã có công khai hoang, lấn biển, lập nên huyện Kim Sơn. Năm 1829, được sự đồng ý của triều Nguyễn, Dinh điền sứ Nguyễn Công Trứ với nhãn quan chính trị, kinh tế, xã hội và nhân văn sâu sắc, thức thời và khoa học, đã phát huy được sức mạnh tổng hợp của nhân dân, thực hiện thành công công cuộc khẩn hoang, lập ra huyện Kim Sơn, chia thành 5 tổng, 53 lý, ấp, trại, giáp, với 1.260 dân đinh.

 

Để tri ân người mở đất, năm 1856 khi cụ Nguyễn Công Trứ còn sống, người Kim Sơn đã lập đền thờ sống cụ gọi là Sinh Từ, nơi đất xây đền trước đây là ngôi nhà 3 gian để cụ Nguyễn Công Trứ ở và chỉ huy việc khẩn hoang. Khi cụ mất, đền thờ cụ vẫn bốn mùa hương khói và nhiều lần được tu sửa, nâng cấp. Đền được kiến trúc theo kiểu chữ Đinh với tiền đường 5 gian, hậu cung 3 gian. Năm 1991 đền được Nhà nước công nhận là Di tích lịch sử - văn hoá cấp quốc gia.

 

 

Đền Nguyễn Công Trứ đang được trùng tu, sửa chữa

 

Nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di tích, công trình cải tạo, sửa chữa đền Nguyễn Công Trứ được khởi công từ ngày 28/2/2019 với các hạng mục cải tạo chính như: Lợp lại toàn bộ mái ngói khu thờ chính; xây mới, nâng cấp tường bao; mắc lại hệ thống điện và hệ thống nước sạch; làm sàn sân khấu khu nhà Tây Vu. Hiện nay công trình đang được khẩn trương sửa chữa, phấn đấu hoàn thành trong tháng 3/2019. Nguồn kinh phí cải tạo, sửa chữa Đền Nguyễn Công Trứ được huyện đầu tư 180 triệu đồng - Đây là phần việc thiết thực chào mừng kỷ niệm 190 năm thành lập huyện, 65 năm giải phóng huyện Kim Sơn

 

Việc trùng tu, tôn tạo Di tích lịch sử văn hóa Đền Nguyễn Công Trứ nhằm đảm bảo an toàn cho các hoạt động tâm linh của nhân dân và bảo tồn được di tích lịch sử. Hoạt động này có ý nghĩa rất lớn trong công tác giáo dục truyền thống, lịch sử, tri ân công đức với ông cha - những người đã có công trong việc dựng làng, lập ấp, đồng thời giáo dục cho thế hệ trẻ tiếp bước thế hệ cha anh, chung sức đồng lòng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước./.

 

Tin, ảnh: Trần Hằng – Đài Truyền thanh huyện

Một cửa điện tử
Văn bản điện tử
Bình chọn

Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?

Văn bản mới
Xem thêm
Thống kê truy cập

Lượt truy cập: 2126272

Trực tuyến: 196

Hôm nay: 1555