Trang Thông tin điện tử

Huyện Kim Sơn

Thứ năm, 21/11/2024

Chào mừng bạn đến với Trang thông tin điện tử huyện Kim Sơn

Âm vang khúc ca trường những ngày đi mở đất

Thứ ba, 02/04/2019 2653 lượt xem
  • Đánh giá cho bài viết:
  • 0 điểm ( 0 đánh giá )

Vùng đất Kim Sơn - nơi sinh sống của hơn 175 nghìn dân đã hình thành cách đây 190 năm, giờ đây vùng đất này thật sự được đổi thay từng ngày, tất cả như khoác trên mình chiếc áo đẹp của một mùa xuân mới, và trong không gian nơi đây luôn rộn tiếng cười của những con người đi khai hoang, mở lối năm xưa.

 

Trước năm 1829, Kim Sơn còn là một vùng đất bồi ven biển thuộc phủ Trường Yên với hàng nghìn mẫu đất hoang vu, sình lầy, lau sậy. Cả một vùng bãi bồi rộng lớn đang chờ đón bàn tay khai phá của con người. Với tầm nhìn của nhà kinh tế lỗi lạc, sau thành công cuộc khẩn hoang vùng đất Tiền Hải vào cuối năm 1828, Dinh điền sứ Nguyễn Công Trứ cùng các vị chiêu mộ, bán phụ chiêu mộ, nguyên mộ tiến hành cuộc khẩn hoang, lấn biển, mở ra vùng đất phù xa màu mỡ trên vùng ‘đất hứa’.

 

Bản đồ hành chính huyện Kim Sơn khi mới thành lập (năm 1829) ( ảnh tư liệu)

 

Cuộc khẩn hoang “đẩy đồng bằng ra biển” với quy mô lớn và đầy khó khăn phức tạp, nhưng chỉ sau hơn 5 tháng, vùng đất hoang hóa ven biển thuộc các huyện Yên Khánh, Yên Mô đã trở thành đồng ruộng với 14.620 mẫu, hơn 1.260 dân đinh, lập thành 3 lý, 22 ấp, 24 trại và 4 giáp, chia làm 5 tổng, Và trên cơ sở đó, ngày Bính Thân (mồng hai), tiết thanh minh, tháng Ba năm Kỷ Sửu, đời vua Minh Mệnh thứ 10, tức ngày 05/4/1829, huyện Kim Sơn được triều đình nhà Nguyễn cho thành lập, huyện lỵ đặt ở làng Quy Hậu xã Hùng Tiến ngày nay. Và huyện Kim Sơn – có nghĩa là núi vàng được hình thành bắt đầu từ đó.

 

Nhờ có lượng phù sa từ thượng nguồn, hàng năm Kim Sơn được bồi ra biển từ 80 - 100m. Và cứ thế, sóng biển nhường chỗ cho đất bồi, lấn mãi, lấn mãi ra biển Đông rồi hình thành những ngôi làng cũng mang cái tên thật đẹp; làng Trì Chính, Hướng Đạo, Phát Diệm, Chất Thành... Cho đến ngày hôm nay đã hình thành 27 đơn vị hành chính, trong đó có 25 xã, 2 thị trấn. Thị trấn Phát Diệm được chọn là trung tâm kinh tế, chính trị của huyện.

 

Với cái nhìn của vị quan am hiểu về địa lý tự nhiên vùng biển, hiểu biết về nông nghiệp, cuộc khẩn hoang ở Kim Sơn được Nguyễn Công Trứ tiến hành kết hợp đồng bộ giữa  khai khẩn đất đai, đào sông tạo ra một hệ thống thủy lợi tối ưu, đắp đê ngăn nước mặn, chống bão lụt, quy hoạch trại ấp và đồng ruộng. Ông cho đào sông Ân, nối liền sông Đáy với sông Càn có chiều dài 13,5 ki lô mét, rộng 15m, sâu 3m. Đây là con sông chảy qua tất cả các lý, ấp, trại trong huyện để dẫn nước vào đồng ruộng. Rồi việc đắp đê trị thủy ngăn nước mặn cũng được quan tâm .  

 

Không chịu khuất phục trước thiên nhiên khắc nghiệt, với tinh thần “ đẩy lùi biển cả ra xa, kéo trời xanh lại gần”, cùng với khẩu hiệu “ Luá lấn cói, cói lấn sú vẹt, sú vẹt lấn biển” 190 năm, lịch sử đã ghi nhận các thế hệ người dân Kim Sơn tiến hành 9 lần quai đê lấn biển, với biết bao mồ hôi, công sức, máu và nước mắt, đấu tranh vật lộn, vượt qua những khắc nghiệt của gió, của nước lập nên những kì tích trước thiên nhiên, để lại cho muôn đời sau thành quả vô cùng quý giá.

 

Đất bồi thêm mở rộng, lòng người cũng rộng mở như dang tay đón chào những con người ở khắp nơi về đây lập nghiệp để rồi lại tiếp tục khai phá, mở đất, lập làng trên mảnh đất trù phú tươi đẹp này. Với 9 lần quai đê lấn biển, đến nay diện tích đất tự nhiên của huyện đã tăng lên 21.571,4 ha gấp 4 lần so với ngày đầu mới thành lập, dân số tăng lên trên 175.000 ng­ười.

 

Lễ ra quân đắp đê Bình Minh 2 năm 1981 (Ảnh tư liệu)

 

 

Quai đê lấn biển (ảnh st)

 

190 năm đã qua, cùng với những biến đổi thăng trầm của đất nước, dưới chế độ phong kiến, trong kháng chiến kiến quốc hay trong thời kỳ xây dựng bảo vệ Tổ quốc, nhân dân Kim Sơn luôn phát huy truyền thống cách mạng, vượt qua khó khăn thử thách, nêu cao tinh thần yêu nước, ý chí quật cường, không sợ hy sinh gian khổ, bảo vệ đến cùng mảnh đất mà cha ông đã đổ mồ hôi, công sức tạo dựng lên. Là nơi hội tụ của nhiều người trên nhiều miền quê, với lối sống phóng khoáng, hiếu khách, người dân vùng đất mở luôn năng động, sáng tạo, nhạy bén, khai thác có hiệu quả tiềm năng thế mạnh của địa phương, mặt khác dày công vun đắp những thành quả mà các vị tiền bối đã tạo dựng lên.

 

Sản xuất nông nghiệp phát triển toàn diện, là huyện luôn dẫn đầu của tỉnh về năng suất lúa, bình quân hàng năm đạt 120 tạ/ha. Nuôi trồng và khai thác thủy sản bước đầu trở thành ngành kinh tế mũi nhọn với trên 10.000 ha vùng bãi bồi ven biển và các xã bãi ngang tạo nhiều việc làm cho người lao động, đã xây dựng được thương hiệu “ Ngao Kim Sơn”.

 

Ngành Công nghiệp - Xây dựng được quan tâm phát triển, huyện có nhiều chính sách để giữ vững làng nghề truyền thống mỹ nghệ cói. Đến nay, toàn huyện có 25 làng nghề được UBND tỉnh Ninh Bình công nhận làng nghề truyền thống, trong đó 24 làng nghề cói, 1 làng nghề nấu rượu. Cụm công nghiệp Đồng Hướng từng bước được đầu tư nâng cấp, hiện với 8 doanh nghiệp đang hoạt động. Các ngành dịch vụ tiếp tục có bước phát triển

 

Phong trào xây dựng nông thôn mới bước đầu đạt được những kết quả tích cực. Hạ tầng thiết yếu và kinh tế nông thôn có bước phát triển; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện về nhiều mặt. Đến hết năm 2018 đã có 16/25 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 22 xã, thị trấn xây dựng nhà văn hóa , 75/83 trường học đạt chuẩn quốc gia. 100% các xã, thị trấn có điện phục vụ sản xuất và sinh hoạt; trên 90% đường giao thông nông thôn đã được cứng hóa. 18 trụ sở UBND các xã, thị trấn được xây dựng theo mẫu nhà 3 tầng. Trụ sở UBND huyện đang được xây mới tại khu trung tâm hành chính mới. Tích cực thực hiện các Dự án đường ra Cồn Nổi, Âu Kim Đài, đê BM4. Các hoạt động văn hoá, thông tin, truyền thanh, thể dục thể thao phát triển mạnh mẽ, từng bước đáp ứng nhu cầu hưởng thụ của nhân dân. Công tác chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ cho nhân dân được quan tâm. Phong trào hiến tặng giác mạc được đông đảo nhân dân, nhất là đồng bào Công giáo tham gia, là địa phương đi đầu trong cả nước về phong trào hiến tặng giác mạc, tỷ lệ hộ nghèo 6,38%, thu nhập bình quân đầu người đạt 35 triệu đồng. Công tác an sinh xã hội, các chính sách đối với người có công được quan tâm đúng mức.

 

 

Một góc Thị trấn Phát Diệm nhìn từ trên cao

 

Trải qua 190 năm chiến đấu, xây dựng và trưởng thành, người dân Kim Sơn luôn biết ơn và trân quý công lao to lớn của Dinh điền sứ Nguyễn Công Trứ cùng các vị chiêu mộ, bán phụ chiêu mộ, nguyên mộ đã có công trong việc khẩn hoang lập huyện. Dù ở bất kỳ giai đoạn lịch sử nào, thì khúc hát khải hoàn, âm vang những ngày đầu đi mở đất vẫn luôn là lời thúc giục các thế hệ nhân dân Kim Sơn phải  gìn giữ những tinh hoa mà cha ông để lại, là lời nhắc nhở mọi người phát huy hơn nữa để xứng đáng với ý nguyện của Dinh điền sứ khi xưa đặt chân đến nơi đây, vùng đất trù phú, tươi đẹp – Núi vàng.

 

Bài, ảnh: Bùi Lan

 

Một cửa điện tử
Văn bản điện tử
Bình chọn

Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?

Văn bản mới
Xem thêm
Thống kê truy cập

Lượt truy cập: 2125973

Trực tuyến: 118

Hôm nay: 1256