Trang Thông tin điện tử

Huyện Kim Sơn

Thứ tư, 03/07/2024

Chào mừng bạn đến với Trang thông tin điện tử huyện Kim Sơn

“Chắp cánh” thương hiệu lúa nếp hạt cau

Thứ sáu, 13/11/2020 1653 lượt xem
  • Đánh giá cho bài viết:
  • 0 điểm ( 0 đánh giá )

Lúa nếp hạt cau (còn gọi là giống nếp Vàng ong, nếp tiến vua, nếp đen), đây là giống lúa dài ngày có thời gian sinh trưởng từ 145-155 ngày. Trước đây, lúa nếp hạt cau được nông dân trồng theo phương pháp truyền thống với diện tích nhỏ lẻ, phân tán.

Những năm gần đây thực hiện dồn điền đổi thửa kết hợp với việc đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu giống, mùa vụ, nâng cao chất lượng nông sản thì việc gieo trồng, mở rộng giống nếp hạt cau đã được các địa phương trên địa bàn huyện chú trọng, trở thành một trong những giống chủ lực gieo cấy trong vụ mùa, đem lại giá trị kinh tế cao. Từ 533 ha lúa nếp hạt cau trồng trong vụ mùa 2016 đã tăng lên 2.504 ha trong vụ mùa 2020.

Huyện Kim Sơn có 3 cơ sở được cấp thương hiệu "Nếp hạt cau Ninh Bình" (Ảnh tư liệu)

 

Giống lúa nếp hạt cau là giống lúa thuần có đặc điểm cây cao, bông lúa đều, tỷ lệ hạt chắc cao, chống đổ trong mùa mưa bão, chống chịu bệnh đạo ôn, khô vằn, bạc lá, rầy nâu, cho năng suất cao. Chất lượng cơm dẻo, thơm lâu được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng. Từ nguồn lúa nếp hạt cau có thể chế biến ra rượu nếp cái hạt cau, xôi, các loại bánh từ nếp hạt cau ...Thị trường tiêu thụ rộng, đặc biệt được nhiều công ty và thương lái đặt hàng trước khi nông dân thu hoạch, thậm chí đến thu mua lúa tươi ngay tại ruộng. Với giá bán trung bình từ 910.000 – 950.000 đồng/1 tạ lúa tươi tại ruộng, lúa khô có giá từ 1,6-1,7 triệu đồng/tạ. Giá trị thu nhập cao gấp 2 đến 3 lần các giống lúa khác.

 

Trước đây lúa hạt cau chưa đăng ký nhãn hiệu, chưa có tem nhãn bảo hộ, chưa có bao bì, nhãn mác riêng, dẫn đến tình trạng hàng giả trà trộn, làm ảnh hưởng đến danh tiếng sản phẩm Nếp hạt cau. Đây là một bất lợi lớn đối nông sản của địa phương, làm giảm sức cạnh tranh của nếp hạt cau trên thị trường.

 

Nếp hạt cau có năng suất, sản lượng, giá trị kinh tế cao

 

Từ thực tế năng suất, sản lượng, giá trị của nếp hạt cau mang lại và quan trọng hơn là sự ưa chuộng của thị trường, huyện đã phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền thực hiện dự án phục tráng và xây dựng thương hiệu cho giống lúa nếp hạt cau. Trong quá trình sản xuất, bà con nông dân đảm bảo chăm bón lúa theo hướng hữu cơ và bán hữu cơ, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học, thuốc trừ cỏ mà thay vào đó là sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học và làm cỏ theo phương pháp thủ công. Nếp hạt cau tại một số cơ sở trên địa bàn huyện đảm bảo Bộ tiêu chí chất lượng đặc thù cho sản phẩm “Nếp hạt cau Ninh Bình” như: về tiêu chí cảm quan với mùi thơm đặc trưng, hạt gạo tròn có màu trắng ngà và hàm lượng dinh dưỡng theo tiêu chí chất lượng. Đảm bảo quy định về nguồn gốc, các chỉ tiêu chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, cách thức bao gói vận chuyển, bảo quản sản phẩm gạo nếp hạt cau.

 

Đến nay, huyện Kim Sơn có 3 cơ sở được cấp thương hiệu "Nếp hạt cau Ninh Bình" là Hợp tác xã nông nghiệp Ân Hòa, Đồng Hướng, Như Hòa - đây là tiền đề quan trọng đảm bảo sản phẩm đưa ra thị trường ổn định về chất lượng, chính xác về nguồn gốc và được pháp luật bảo vệ. Nhãn hiệu Nếp hạt cau đã được chứng nhận đây là cơ hội lớn để "Nếp hạt cau Ninh Bình" có mặt rộng rãi ở các siêu thị cũng như những chợ dân sinh và vươn xa đến thị trường trong nước và quốc tế. Điều đó cũng đòi hỏi người nông dân, đặc biệt là các cơ sở được trao giấy chứng nhận nhãn hiệu cần đảm bảo quy trình kỹ thuật, chất lượng sản phẩm trong suốt quá trình sản xuất, chế biến.

 

Theo đó, các HTX nông nghiệp đã được cấp thương hiệu "Nếp hạt cau Ninh Bình" thực hiện chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, cơ cấu giống. Vụ mùa năm 2020, HTXNN Ân Hòa quy hoạch vùng sản xuất lúa nếp hạt cau chiếm 82% diện tích, Như Hòa chiếm 83% diện tích và Đồng Hướng chiếm 50% diện tích. Để đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm theo đúng bộ tiêu chí “Nếp hạt cau Ninh Bình”, những vùng lúa nếp hàng hóa cũng đang dần hình thành quy trình sản xuất khép kín từ khâu chọn giống đến liên kết sản xuất, thu mua sản phẩm để chế biến, đóng gói và bán đến tay người tiêu dùng. Sản phẩm gạo nếp hạt cau đến với người tiêu dùng sẽ được đóng trong bao bì đảm bảo, có nhãn mác, tem dán và lô gô chứng nhận sản phẩm.

Nếp hạt cau mang nhãn hiệu chứng nhận đảm bảo bộ tiêu chí chất lượng sản phẩm (Ảnh tư liệu)

 

Hiện nay, huyện tiếp tục chỉ đạo các phòng chuyên môn hướng dẫn các địa phương, các HTX nông nghiệp và bà con nông dân tuân thủ nghiêm quy trình kỹ thuật, đảm bảo chất lượng sản phẩm trong quá trình sản xuất, chế biến theo đúng bộ tiêu chí chất lượng sản phẩm mang nhãn hiệu chứng nhận. Phấn đấu trên địa bàn huyện có thêm nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận "Nếp hạt cau Ninh Bình". Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi để các đơn vị bao tiêu và quảng bá thương hiệu lúa nếp hạt cau với chất lượng gạo ngon, cơm dẻo, có mùi thơm đặc trưng vươn xa đến thị trường trong và ngoài nước.

 

Nguyễn Chinh

 

 

 

 

 

Một cửa điện tử
Văn bản điện tử
Bình chọn

Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?

Văn bản mới
Xem thêm
Thống kê truy cập

Lượt truy cập: 1814216

Trực tuyến: 187

Hôm nay: 1558

W88 113.80 - https://139.99.113.80/