Trang Thông tin điện tử

Huyện Kim Sơn

Thứ năm, 21/11/2024

Chào mừng bạn đến với Trang thông tin điện tử huyện Kim Sơn

KHÁI QUÁT ĐÌNH TỨC HIÊU

Thứ tư, 29/05/2024 365 lượt xem
  • Đánh giá cho bài viết:
  • 0 điểm ( 0 đánh giá )

Di tích có tên gọi là đình làng Tức Hiêu, vì đình được xây dựng ở địa phận làng Tức Hiêu xưa, nay là thôn Tức Hiêu, xã Kim Định.

Về thời điểm xây dựng: Theo nội dung Thượng lương tòa Trung đường, thì di tích được xây dựng vào năm Thành Thái thứ 3 (1891). Thượng lương tòa Tiền đường ghi việc xây dựng năm Thành Thái thứ 9 (1897).

Đình làng Tức Hiêu là nơi thờ cúng, tưởng niệm thần Hải Tề Long Vương, nhân vật huyền thoại thời Hùng Vương, liên quan đến sự tích con rồng cháu tiên. Nhân dân tôn thờ ông như vị thành hoàng làng. Di tích còn là nơi thờ cúng, tưởng niệm chiêu mộ Nguyễn Đức Tuấn, người có công đầu trong việc khai hoang lấn biển, lập nên ấp Tức Hiêu (nay là thôn Tức Hiêu). Bên cạnh đó, tại đình Tức Hiêu còn thờ Bác Hồ và các anh hùng liệt sỹ của thôn, Anh hùng lực lượng vũ trang - liệt sỹ Bùi Thị Nhạn, Thờ Quan Văn, quan Võ, thờ Công đồng.

Trong các cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đình Tức Hiêu là nơi thành lập trung đội dân quân du kích xã Xuân Lan (nay là xã Kim Định), cũng là địa điểm tập luyện của trung đội du kích xã. Trong kháng chiến chống Mỹ, Đình làng Tức Hiêu được mượn làm trụ sở Uỷ ban nhân dân xã, làm nhà kho, trường học của xã. Là nơi tập hợp các thanh niên trong thôn rèn luyện sức khoẻ, lao động sản xuất, tích trữ lương thực để góp phần cùng cả nước chống Mỹ cứu nước.

Về kiến trúc: Đình làng Tức Hiêu được xây dựng theo kiểu tiền nhất hậu đinh, gồm ba toà: Tiền đường, Trung đường và Hậu cung. Nhìn chung, di tích còn giữ được những nét kiến trúc thời Nguyễn cổ kính.

Hiện nay, tại đình làng Tức Hiêu còn giữ được một số hiện vật có giá trị bằng giấy, gỗ, đá, đồng như sau: 02 sắc phong của các đời vua triều Nguyễn vào năm 1909 và năm 1924; 02 hạc đứng trên rùa, bằng đá, triều Nguyễn; 02 voi phục, bằng đá, thời Nguyễn; 01 kiệu bát cống, bằng gỗ; 01 kiệu song hành, bằng gỗ; 02 mũ thờ, bằng đồng lá; 01 chuông đồng; 04 đỉnh đồng; 02 ống hương, bằng đồng; 01 cây quán tẩy, bằng gỗ; 03 bát hương, bằng sứ; 03 nhang án, bằng gỗ, thời Nguyễn; 01 bộ bát biểu; 01 bộ chấp kích, bằng gỗ. Tất cả đều từ thời Nguyễn.

Hàng năm, tại di tích diễn ra các hoạt động văn hóa, lễ hội chính như: Lễ mở cửa đình (mùng 3 tết): Dân gian gọi đây là lễ “làng mở mặt trống”, Lễ đầu năm (mùng 6 tháng Giêng), Tế yến lão (ngày 14 tháng 2): Đây là lễ hội truyền thống của dân làng Tức Hiêu có từ xa xưa, được tổ chức định kỳ hàng năm, Lễ trừ tịch: Đêm giao thừa.

Trải qua hơn 100 năm xây dựng, trải qua những biến thiên của lịch sử, di tích được nhân dân trong làng, trong thôn nhiều lần trung tu, tôn tạo. Ghi nhận giá trị lịch sử, văn hoá, điêu khắc đặc sắc, đình Tức Hiêu được công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh năm 2010.

 

 

Một cửa điện tử
Văn bản điện tử
Bình chọn

Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?

Văn bản mới
Xem thêm
Thống kê truy cập

Lượt truy cập: 2126490

Trực tuyến: 170

Hôm nay: 1773