Trang Thông tin điện tử

Huyện Kim Sơn

Thứ ba, 14/01/2025

Chào mừng bạn đến với Trang thông tin điện tử huyện Kim Sơn

Làm giàu từ mô hình sản xuất miến dong

Thứ sáu, 16/08/2024 783 lượt xem
  • Đánh giá cho bài viết:
  • 59 điểm ( 12 đánh giá )

Lựa chọn khởi nghiệp ngay trên chính mảnh đất quê hương, anh Ngô Văn Quyền xóm 5, xã Hùng Tiến đã quyết định nối nghề làm miến dong của gia đình để phát triển kinh tế. Đến nay, mô hình sản xuất ngày càng phát triển, mỗi năm đem lại nguồn thu nhập trên 200 triệu đồng.

Anh Ngô Văn Quyền sinh năm 1985, tại xóm 5, xã Hùng Tiến. Năm 2003, anh học tại trường Cao đẳng cơ giới Ninh Bình, ra trường và đi làm công nhân tại Công ty Sông Đà (Sơn La). Đến năm 2008, anh Quyền lập gia đình và khởi nghiệp trên mảnh đất quê hương với quyết định nối nghề làm miến dong của gia đình. Những năm đầu, vợ chồng anh cùng làm với bố mẹ theo phương thức thủ công. Năm 2010, bố mẹ anh bàn giao xưởng sản xuất cho vợ chồng anh quản lý. Tuy đã có “tiền đề” nhưng sản xuất miến dong theo phương thức thủ công như trước đây chưa đem lại hiệu quả kinh tế như mong muốn. Vì vậy anh Quyền đã mạnh dạn đầu tư hơn 100 triệu đồng mua sắm trang thiết bị sản xuất theo dây chuyền, giải phóng sức lao động

Anh Ngô Văn Quyền, xóm 5, xã Hùng Tiến đầu tư sản xuất miến dong mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Hiện cơ sở sản xuất miến dong của gia đình anh Quyền có diện tích 450m2, trong đó anh dành 250m2 xây dựng 4 bể lắng bột, bể lọc nước, đặt hệ thống máy tráng bánh, máy cắt sợi và khu đóng gói thành phẩm. Anh Quyền cho biết quy trình chế biến miến dong được tiến hành tuần tự theo các bước: Đưa tinh bột dong riềng tươi vào ngâm, thau rửa kỹ cho lắng để loại bỏ sạn, cát, các tạp chất trong bột đến khi tinh bột sạch. Tiếp đến là công đoạn khuấy bột, công nhân sẽ lấy khoảng 1% khối lượng bột tươi dùng để chế biến miến trong ngày đưa vào nồi nấu cho tới khi hoá hồ thành dạng keo, sau đó đổ bột hoá hồ vào máy trộn với 99% lượng bột sống còn lại cho quyện đều vào nhau, công đoạn này có tác dụng làm cho bột sống không bị lắng lại. Sau đó cho bột vào máy tráng thành bánh - mang bánh phơi nắng tới khô se - đưa vào máy cắt thành sợi - gom sợi miến rải lên phên tre mang đi phơi nắng cho khô. Cuối cùng, tùy theo yêu cầu của các đơn hàng để đóng gói thành phẩm.

Gắn bó với nghề sản xuất miến dong “cha truyền, con nối” gần 20 năm qua, cơ sở gia đình anh Quyền luôn đem đến cho người tiêu dùng những sợi miến có độ giòn, dai tự nhiên, không bị sạn cát, không bị nhão, bết dính, đặc biệt không sử dụng chất bảo quản, chất tẩy trắng và luôn đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Các phên bánh tráng chuẩn bị đưa vào cắt thành sợi miến.

Cũng theo anh Quyền, điểm mấu chốt để tạo ra sản phẩm miến dong được thị trường ưa chuộng như hiện nay chính là việc lựa chọn nguyên liệu đầu vào. Để có được những sợi miến khô khi nấu lên vừa có mùi thơm, vị thanh mát mà vẫn giữ được độ dai, giòn thì bắt buộc nguyên liệu phải là tinh bột từ củ của cây dong riềng được trồng ở trên đất đồi với thời gian từ 10-11 tháng. Mỗi năm cơ sở sản xuất miến dong của anh Quyền nhập gần 100 tấn bột từ các cơ sở có uy tín ở Mộc Châu (Sơn La) và các tỉnh miền núi phía Bắc.

Với hệ thống máy móc hỗ trợ, cơ sở sản xuất miến dong của gia đình anh Quyền làm quanh năm với mức sản xuất trung bình xuất ra thị trường 5 tấn/tháng. Từ tháng 9 đến tháng 12 hằng năm, sản lượng cao hơn để phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán 50.000 đồng/kg, năm vừa qua sau khi trừ chi phí gia đình anh thu nhập trên 200 triệu đồng và tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 5 lao động địa phương với mức lương 250.000 đồng/người/ngày.

Miến dong là một loại thực phẩm được khá nhiều người yêu thích vì dễ chế biến được nhiều món ăn và là món ăn truyền thống của các gia đình nhân dịp Lễ, Tết. Là cơ sở sản xuất uy tín, với sản phẩm miến dong đảm bảo chất lượng, giá cả phù hợp, giờ đây miến dong của gia đình anh Quyền đã có mặt ở khắp các địa phương trong tỉnh, các tỉnh miền tây Nam Bộ, Tây Nguyên và đã có chỗ đứng nhất định trên thị trường, đem lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình. Đồng thời, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập cho nhân dân tại địa phương.

Không chỉ làm kinh tế giỏi, với vai trò là Bí thư Chi bộ, Trưởng Ban công tác mặt trận xóm 5, anh Ngô Văn Quyền luôn gương mẫu đi đầu trong các hoạt động, phong trào; tích cực tuyên truyền, vận động Nhân dân chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đoàn kết trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng quê hương Hùng Tiến phấn đấu trở thành xã nông thôn mới nâng cao trong năm 2024.

Nguyễn Chinh

 

 

 

Góp ý của nhân dân
Một cửa điện tử
Văn bản điện tử
Bình chọn

Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?

Thống kê truy cập

Lượt truy cập: 2206549

Trực tuyến: 33

Hôm nay: 424