Trang Thông tin điện tử

Huyện Kim Sơn

Thứ bảy, 22/02/2025

Chào mừng bạn đến với Trang thông tin điện tử huyện Kim Sơn

Khởi nghiệp từ mô hình nuôi tôm công nghệ cao

Chủ nhật, 11/08/2024 936 lượt xem
  • Đánh giá cho bài viết:
  • 0 điểm ( 0 đánh giá )

Không chùn bước trước khó khăn, với sự năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, anh Trần Văn Vũ, đoàn viên thanh niên xã Kim Hải luôn suy nghĩ tìm lối đi để phát triển kinh tế gia đình. Nhận thấy thế mạnh của địa phương trong nuôi thủy sản công nghệ cao, anh đã mạnh dạn đầu tư hệ thống ao nuôi, trang thiết bị, cơ sở vật chất …v.v. Và bắt đầu khởi nghiệp từ mô hình nuôi tôm công nghệ cao.

Thanh niên Trần Văn Vũ sinh năm 1995, sau khi học xong phổ thông, anh theo học nghề tại Trường Cao đẳng Cơ giới Ninh Bình và đi làm một thời gian, nhưng trong khoảng thời gian đó, anh không khỏi suy nghĩ về hướng phát triển kinh tế. Tới năm 2022, anh quyết định nghỉ công việc lái máy xúc, trở về quê bàn với bố mẹ đầu tư hệ thống ao nuôi thủy sản với hướng nuôi công nghệ cao.

Mô hình nuôi tôm công nghệ cao của thanh niên Trần Văn Vũ bắt đầu khởi nghiệp vào năm 2022.

Với diện tích gần 5.000m2 và số tiền gần 1 tỷ đồng (từ nguồn vốn của gia đình, vay Ngân hàng Nông nghiệp, Ngân hàng Chính sách xã hội, vay thế chấp 300 triệu đồng theo Nghị quyết 43/2018/NQ-HĐND tỉnh Ninh Bình), anh Vũ đã mạnh dạn đầu tư 4 ao nuôi, 2 ao xử lý nước, 1 ao chứa, mua máy, thiết bị, tôm giống, thức ăn, thuốc phòng bệnh, thuê nhân công phụ giúp.

 Anh Vũ cho rằng tuy số vốn bỏ ra ban đầu để nuôi tôm theo hướng công nghệ cao là khá lớn nhưng khi đi vào nuôi thả sẽ cho thu tôm thương phẩm với số lượng và chất lượng đảm bảo, môi trường sống của tôm được quản lý dễ dàng hơn và giảm đi sự ảnh hưởng của thời tiết. Trong đợt mưa lớn kéo dài cuối tháng 7 vừa qua, ao tôm của gia đình anh gần như không bị ảnh hưởng tới sản lượng.

Trần Văn Vũ chia sẻ kỹ thuật nuôi tôm cho các bạn đoàn viên.

 Mô hình nuôi tôm công nghệ cao khuyến khích người nuôi chia nhỏ diện tích ao nuôi để dễ quản lý, mặt khác thay vì sử dụng phần lớn diện tích làm ao nuôi thì người nuôi sử dụng phần lớn diện tích là ao ươm, ao lắng để đảm bảo chất lượng nguồn nước nuôi tôm. Việc thu hẹp diện tích ao nuôi sẽ được bù đắp bằng năng suất và số vụ nuôi một năm. Chính vì vậy, với mô hình này, người nuôi sẽ tăng được lợi nhuận và quan trọng hơn là không còn phải lo về dịch bệnh trên tôm nuôi. Theo anh Vũ, nuôi tôm quan trọng nhất là nhiệt độ, nhiệt độ lý tưởng cho tôm phát triển là từ khoảng 28°C đến 32°C. Do đó, nuôi tôm công nghệ cao sẽ sử dụng lưới che làm giảm bớt nhiệt độ hồ nuôi do lưới đã hấp thu bớt một phần nhiệt nên nhiệt độ hồ nuôi luôn được đảm bảo ở mức lý tưởng cho tôm phát triển, nhờ lưới che nên tránh được ánh nắng trực tiếp chiếu xuống hồ, hạn chế được sự phát triển của các loại tảo ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng của con tôm.

Nuôi tôm công nghệ cao, thay vì sử dụng thuốc kháng sinh, người nuôi bắt buộc phải sử dụng men vi sinh để phòng trừ dịch bệnh. Không những hạn chế được dịch bệnh, người nuôi còn có được sản phẩm tôm sạch, không có dư lượng kháng sinh.

  Anh Vũ cũng chia sẻ, nếu với cách nuôi truyền thống như lúc trước, tôi thả 50 con giống/m2 thì với kỹ thuật công nghệ cao thả đến 200con/m2 mà kết quả tôm đạt chất lượng hơn trước rất nhiều. Do có diện tích ao ương nên mình có thể nuôi tôm giống đến khoảng 1 tháng tuổi mới cho vào ao nuôi, nhờ đó, số vụ nuôi cũng được nâng lên 3 đến 4 vụ/năm. Năm 2023, anh Vũ đã thu được những “quả ngọt” đầu tiên với 5 tấn tôm thương phẩm, đem lại doanh thu trên 1 tỷ đồng. Đến nay, anh Vũ đã trang trải được số nợ ban đầu, cơ bản có lãi và có tích lũy đề đầu tư cho vụ tôm tiếp theo. Ngoài lợi nhuận thu được, mô hình nuôi tôm công nghệ cao của thanh niên Trần Văn Vũ còn tạo công ăn việc làm cho lao động địa phương với mức lương từ 8 tới 10 triệu đồng/ người/ tháng.

Với sự nhạy bén trong nắm bắt thời cơ, tận dụng vào thế mạnh điều kiện tự nhiên của địa phương và những kết quả ban đầu đạt được. Tin rằng mô hình nuôi tôm công nghệ cao của thanh niên Trần Văn Vũ sẽ ngày càng phát triển hơn nữa trong thời gian tới, góp phần vào sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

                                                                        Diệu Hoa

 

 

 

Góp ý của nhân dân
Một cửa điện tử
Văn bản điện tử
Bình chọn

Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?

Văn bản mới
Xem thêm
Thống kê truy cập

Lượt truy cập: 2313125

Trực tuyến: 72

Hôm nay: 4298