Trang Thông tin điện tử

Huyện Kim Sơn

Thứ năm, 21/11/2024

Chào mừng bạn đến với Trang thông tin điện tử huyện Kim Sơn

Phụ nữ Kim Sơn với chuyển đổi số

Thứ tư, 18/10/2023 2069 lượt xem
  • Đánh giá cho bài viết:
  • 0 điểm ( 0 đánh giá )

 Chuyển đổi số không chỉ là giải pháp thúc đẩy phát triển mà còn là yêu cầu cấp thiết trong thời đại hiện nay. Để bắt kịp xu thế của cuộc cách mạng 4.0, các cấp hội phụ nữ trong huyện đã tích cực chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác hội và phong trào phụ nữ. Qua đó, không ngừng nâng cao hiệu quả hoạt động của hội và đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ trong tình hình mới.

Hội LHPN huyện hiện có 30.813 hội viên, sinh hoạt ở 298 chi hội. Thời gian qua, các cấp Hội LHPN trên địa huyện đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong chỉ đạo, điều hành, triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm công tác Hội và phong trào phụ nữ. Mở đầu cho công cuộc chuyển đổi số trong đổi mới phương thức hoạt động của HPN đó là việc ứng dụng phần mềm quản lý hội viên. Trước đây, công tác quản lý hội viên của Hội chủ yếu làm thủ công bằng sổ sách hoặc bảng biểu tự kẻ nên việc cập nhật các thông tin hội viên mất nhiều thời gian, khó lưu trữ và độ chính xác chưa cao. Sau khi Hội LHPN Việt Nam triển khai đưa vào sử dụng phần mềm quản lý hội viên trên toàn quốc, Hội LHPN huyện đã tổ chức hướng dẫn cán bộ Hội cơ sở sử dụng phần mềm với các ứng dụng như: cơ cấu tổ chức, quản lý hội viên, theo dõi cán bộ hội, theo dõi cán bộ nữ, thi đua - khen thưởng và quản lý biểu mẫu….Đến nay, 100% hội cơ sở đã sử dụng phần mềm quản lý cán bộ, hội viên; dữ liệu về hội viên trên địa bàn huyện đã được cập nhật đầy đủ, giúp việc quản lý hội viên chính xác, khoa học.

Cán bộ, hội viên phụ nữ tham gia cuộc thi trắc nghiệm tìm hiểu luật phòng chống gia đình. (Ảnh Hội LHPN huyện)

Để nâng cao hoạt động của Hội cũng như đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, Hội LHPN huyện thực hiện tốt việc khai thác văn bản chỉ đạo, điều hành và trao đổi thông tin trên hệ thống văn bản điện tử của huyện; ứng dụng chữ ký số trong giao dịch điện tử và chỉ đạo điều hành hoạt động trong hệ thống Hội. Qua đó, các cấp hội đã thực hiện việc gửi - nhận văn bản trên môi trường mạng, góp phần giúp cán bộ hội làm việc khoa học và hiệu quả hơn.

Ứng dụng CNTT, chuyển đổi số khai thác các nền tảng trực tuyến đã trở thành công cụ hữu hiệu, đa dạng kênh tập hợp phụ nữ, thực hiện tốt hơn công tác tuyên truyền các hoạt động của Hội những vấn đề đông đảo Nhân dân quan tâm một cách nhanh chóng, chính xác, kịp thời. Hiện, Hội LHPN huyện đã thành lập Fanpage Hội LHPN huyện Kim Sơn thu hút 90% hội viên theo dõi, 25/25 Hội cơ sở đều lập Facebook và nhóm zalo mang tên của các cấp hội để kết nối các thành viên trong hội lại với nhau. Đồng thời, đăng tải các thông tin, tuyên truyền hoạt động, các công trình, phần việc được các cấp Hội thực hiện. Từ đó giúp hội viên dễ dàng tiếp cận được những thông tin hữu ích, để các phong trào chung của hội có sức lan tỏa hơn đến toàn thể các chị em.

Hội LHPN xã Lưu Phương ứng dụng phần mềm quản lý cán bộ, hội viên.

Nhờ tận dụng thế mạnh CNTT, chuyển đổi số, cán bộ, hội viên phụ nữ Kim Sơn có thêm nhiều điều kiện tham dự các hội nghị, diễn đàn, cuộc thi do các cấp, các ngành tổ chức. Điển hình như: tập huấn trực tuyến về hội nhập quốc tế về du lịch và ứng dụng công nghệ số trong kinh doanh; tư vấn trực tuyến về Cuộc thi phụ nữ khởi nghiệp trên fanpage Hỗ trợ Phụ nữ khởi nghiệp, cuộc thi trắc nghiệm trên Internet tìm hiểu kiến thức về an toàn thực phẩm do Hội LHPN tỉnh tổ chức; cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu kiến thức Luật Phòng, chống bạo lực gia đình sửa đổi năm 2022”, cuộc thi tìm hiểu Luật Phòng, chống ma túy do Bộ Công an phát động....

Đẩy mạnh chuyển đổi số cũng đã mở ra nhiều cơ hội cho hội viên phụ nữ có thể khởi nghiệp bằng cách tiếp cận với các nền tảng số, kinh tế số. Thời gian qua, các cấp Hội tập trung hỗ trợ phụ nữ tiếp cận kinh tế số gắn với phát triển kinh tế hộ gia đình, bán hàng trên nền tảng công nghệ số, kết nối, xúc tiến thương mại điện tử nhằm quảng bá, giới thiệu, kết nối tiêu thụ sản phẩm do phụ nữ làm ra, cung ứng trong và ngoài tỉnh; hội viên, phụ nữ có thêm kiến thức, kỹ năng trong việc vận dụng công nghệ số để nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng lực và lợi thế cạnh tranh, tạo ra các giá trị mới cho sản phẩm, tạo việc làm cho người lao động, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.

Phát huy vai trò của cán bộ, hội viên phụ nữ trong việc thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số của huyện, ứng dụng công nghệ thông tin, hiện các cán bộ hội cơ sở đều là thành viên của Tổ công nghệ số cộng đồng, tích cực tuyên truyền hỗ trợ người dân tham gia chuyển đổi số, cài đặt kích hoạt tài khoản định danh điện tử; phối hợp chặt chẽ với các quỹ tín dụng, ngân hàng hướng dẫn cài đặt, mở tài khoản thanh toán điện tử qua điện thoại thông minh đến hội viên, Nhân dân và các hộ kinh doanh, từng bước hình thành thói quen thanh toán các khoản chi phí qua công nghệ số, tạo những tiện ích và tiết kiệm được thời gian. Ngoài ra, nhờ công nghệ chị em phụ nữ tạo các nhóm để chia sẻ tâm tư tình cảm, kinh nghiệm phát triển kinh tế, xây dựng gia đình ấm no hạnh phúc, nuôi dạy con ngoan học giỏi. Sử dụng thành thạo thiết bị công nghệ thông minh, chị em phụ nữ cũng đã lên Youtube xem, tải các điệu nhảy dân vũ để tập luyện và quay lại các bài nhảy trong các chương trình giao lưu đăng trên trang facebook cá nhân, góp phần thúc đẩy phong trào nhảy dân vũ thể thao trên địa bàn ngày càng phát triển.

Từ thực tế có thể thấy chuyển đổi số, ứng dụng CNTT là xu thế tất yếu, là công cụ hữu ích giúp thay đổi phương thức hoạt động hội, giúp cán bộ hội nâng cao nhận thức, có kỹ năng nhanh nhạy trong xử lý, giải quyết nhiệm vụ chuyên môn, giúp hội viên, phụ nữ mở rộng kinh doanh, kết nối thị trường trong thời đại kinh tế số và được giao lưu kết nối diện rộng về mọi mặt. Tuy nhiên, sự phát triển của công nghệ số cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ phụ nữ dễ bị lừa đảo, quấy rối, bị lợi dụng... Vì vậy, việc nâng cao kỹ năng số cho phụ nữ là rất quan trọng, Hội LHPN các cấp cần thực hiện thường xuyên nhằm trang bị kiến thức, kỹ năng sử dụng CNTT cho cán bộ, hội viên để tăng hiệu quả chuyển đổi số, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động công tác hội, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Minh Hằng

 

 

 

Một cửa điện tử
Văn bản điện tử
Bình chọn

Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?

Văn bản mới
Xem thêm
Thống kê truy cập

Lượt truy cập: 2126552

Trực tuyến: 65

Hôm nay: 1835