Trang Thông tin điện tử

Huyện Kim Sơn

Thứ năm, 21/11/2024

Chào mừng bạn đến với Trang thông tin điện tử huyện Kim Sơn

Hiệu quả hoạt động tổ công nghệ số cộng đồng

Thứ năm, 05/10/2023 2949 lượt xem
  • Đánh giá cho bài viết:
  • 5 điểm ( 1 đánh giá )

Sau hơn 1 năm thành lập và đi vào hoạt động, các thành viên của Tổ công nghệ số cộng đồng trên địa bàn huyện đã phát huy vai trò là lực lượng nòng cốt ở cơ sở đưa nền tảng số, công nghệ số, kỹ năng số đến người dân.

 

Tổ công nghệ số cộng đồng (CNSCĐ) một sáng kiến của Bộ Thông tin và Truyền thông được triển khai trên toàn quốc từ những tháng đầu năm 2022. Với mục đích nhằm truyền thông, tuyên truyền tới mỗi người dân kiến thức về chuyển đổi số, phổ cập kỹ năng số cộng đồng, hướng dẫn người dân sử dụng các nền tảng số, dịch vụ số trong giải quyết nhu cầu thiết yếu hằng ngày, từ đó thúc đẩy sự phát triển xã hội số.

 

Thực hiện chủ trương trên, ngày 17/6/2022, UBND huyện ban hành công văn 1440/UBND-VH về việc thành lập Tổ công nghệ số cộng đồng để hỗ trợ triển khai chuyển đổi số trên địa bàn. Theo đó, toàn huyện đã thành lập 298 tổ CNSCĐ tại các thôn, xóm, khối phố thuộc 25 xã, thị trấn với 1.566 thành viên. Mỗi tổ công nghệ số cộng đồng có từ 5 - 7 người, gồm lãnh đạo các thôn, xóm, khối, phố và các tổ chức chính trị - xã hội (khuyến nghị đồng chí Bí thư Chi đoàn làm Tổ trưởng hoặc lực lượng nòng cốt, chủ lực).

Đoàn thanh niên là lực lượng nòng cốt trong Tổ CNSCĐ tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện chuyển đổi số.

 

Đánh giá về hiệu quả ban đầu của Tổ CNSCĐ trên địa bàn huyện, đồng chí Phạm Văn Sang, Trưởng phòng Văn hóa thông tin, Phó Trưởng Ban chỉ đạo Chuyển đổi số huyện Kim Sơn cho biết: Sau hơn 1 năm thành lập và đi vào hoạt động, Tổ CNSCĐ là cánh tay nối dài của Ban chỉ đạo chuyển đổi số các cấp. Để nâng cao hiệu quả hoạt động của các Tổ công nghệ số cộng đồng, ngay sau khi các tổ được thành lập, UBND huyện đã chỉ đạo Phòng văn hóa thông tin huyện phối hợp với các ngành chuyên môn tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng số cho các thành viên trong Tổ, đảm bảo các thành viên là những người ứng dụng thành thạo công nghệ trước khi trở thành tuyên truyền viên đưa công nghệ số đến với các tầng lớp nhân dân.

 

Cùng với đó là sự nhiệt tình, trách nhiệm của các thành viên tổ CNSCĐ đã “gần dân, sát dân”, tranh thủ những ngày nghỉ hay ngoài giờ hành chính “đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà” trực tiếp hướng dẫn người dân cài đặt, nắm bắt kỹ năng sử dụng các nền tảng số, ứng dụng số cơ bản, như: Định danh điện tử cá nhân; bảo hiểm xã hội; sức khỏe điện tử; tài khoản mobile money; thực hiện dịch vụ công trực tuyến...qua đó tương tác với chính quyền, tham gia phát triển kinh tế số, xây dựng xã hội số và từng bước trở thành công dân số. Đồng thời, Tổ CNSCĐ tiếp nhận, triển khai các nền tảng số và trực tiếp làm mẫu, hướng dẫn cho nhân dân; tạo nhóm trên Zalo, Mocha, Facbook cho các hộ gia đình/người dân trong các thôn, xóm, tổ dân phố để được hỗ trợ, tương tác, hướng dẫn thường xuyên,…

 

Ngoài những đợt cao điểm do các cấp, các ngành phát động, hướng dẫn nhân dân tích cực làm CCCD gắn chíp cho công dân trong độ tuổi, cài đặt và kích hoạt tài khoản định danh điện tử, góp phần thực hiện hiệu quả Đề án 06 “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030”. Chị Đỗ Thị Bảo Trâm, Bí thư chi đoàn phố Trì Chính, thị trấn Phát Diệm cho biết: Hàng ngày tổ CNSCĐ thường xuyên giúp người dân tiếp cận công nghệ theo cách đơn giản, xuất phát từ nhu cầu tự nhiên và tạo ra giá trị thiết thực. Cụ thể, đối với các tiểu thương, hộ kinh doanh, tổ CNSCĐ phối hợp với Viettel và VNPT tập trung tuyên truyền, hướng dẫn cài đặt, sử dụng các ứng dụng hỗ trợ việc thanh toán điện tử, mua bán thông qua các sàn thương mại điện tử. Thực hiện việc gắn mã QR để thanh toán tại khu chợ và các cửa hàng tiện ích góp phần thúc đẩy việc thanh toán không dùng tiền mặt. Còn đối với những gia đình có con trong độ tuổi đi học thì thành viên Tổ CNSCĐ tập trung hướng dẫn kỹ năng thanh toán học phí trực tuyến, cách thức thực hiện các dịch vụ công trực tuyến, cách cài đặt, sử dụng các ứng dụng học tập trực tuyến. Đối với người cao tuổi thì tập trung hướng dẫn cách sử dụng các tính năng của điện thoại thông minh kết nối với các con, cháu, bạn bè ở nơi xa... Khi người dân sử dụng các ứng dụng, dịch vụ số để phục vụ nhu cầu trong cuộc sống thường ngày thì hiệu quả mang lại bền vững, người dân thụ hưởng được những lợi ích, giá trị thiết thực do chuyển đổi số mang lại. Từ đó dễ dàng tiếp cận với những nội dung khác của quá trình chuyển đổi số, ông Phan Thiên Cung, xã Lai Thành chia sẻ: Được các thành viên Tổ CNSCĐ tuyên truyền về chuyển đổi số, hướng dẫn cách thức sử dụng các ứng dụng công nghệ trên điện thoại thông minh nên tôi hiểu hơn về những lợi ích chuyển đổi số mang lại, nhờ chuyển đổi số hàng ngày tôi kết nối trò chuyện được với con, cháu, bạn bè ở nơi xa; tập các bài tập thể dục dưỡng sinh trên YouTube; tiện ích của chuyển đổi số còn thể hiện rõ khi hàng tháng thanh toán tiền điện, tiền nước qua app mà không cần dùng tiền mặt.

 

Cùng với việc hướng dẫn cài đặt các ứng dụng công nghệ số, các thành viên Tổ CNSCĐ cũng là những tuyên truyền viên tích cực trong phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác chuyển đổi số đến với nhân dân, góp phần hình thành nên các công dân số, xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số, xã hội số trên địa bàn toàn huyện. Do vậy, huyện Kim Sơn là đơn vị Công an địa phương đầu tiên của tỉnh hoàn thành chỉ tiêu cấp CCCD và là 1 trong 10 đơn vị cấp huyện trong toàn quốc hoàn thành cấp CCCD; tỷ lệ người dân dân được cấp, sử dụng ứng dụng định danh điện tử đạt 41,9%; tỷ lệ Nhân dân thanh toán học phí, viện phí, tiền điện, tiền nước không dùng tiền mặt, tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến… ngày càng tăng cao.

 

Có thể thấy hoạt động của Tổ CNSCĐ trong thời gian qua đã minh chứng đây thực sự là "cánh tay nối dài" của Ban Chỉ đạo chuyển đổi số các cấp, là giải pháp quan trọng phát huy sức mạnh của toàn dân tham gia vào quá trình chuyển đổi số. Đồng thời, là một trong những giải pháp mang tính đột phá mà cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở đã và đang triển khai, qua đó góp phần tạo sự lan tỏa, thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số của địa phương ngày càng phát triển.

 

Nguyễn Chinh

 

 

Một cửa điện tử
Văn bản điện tử
Bình chọn

Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?

Văn bản mới
Xem thêm
Thống kê truy cập

Lượt truy cập: 2126563

Trực tuyến: 53

Hôm nay: 1846