Trang Thông tin điện tử

Huyện Kim Sơn

Thứ sáu, 19/04/2024

Chào mừng bạn đến với Trang thông tin điện tử huyện Kim Sơn

Kim Sơn tập trung chăm sóc lúa đông xuân

Thứ ba, 17/04/2018 811 lượt xem
Vụ đông xuân năm nay, huyện Kim Sơn cấy 8.200 ha lúa với 100% diện tích là lúa xuân muộn. Hiện nay, lúa đang sinh trưởng, phát triển tốt và ở giai đoạn đẻ nhánh.
 
 

Nông dân xã Ân Hòa (Kim Sơn) kết hợp tỉa dặm và diệt ốc bươu vàng.
 
Trên cánh đồng thuộc xã Hùng Tiến, ông Nguyễn Văn Đức đang dặm tỉa cho lúa. Ông cho biết: Gia đình tôi có hơn 5 sào lúa tại xã Hùng Tiến, có 2 mẫu ruộng thuê lại tại địa phận xã Ân Hòa. Một số khóm lúa sau khi gieo cấy gặp thời tiết xấu nên bị chết, tôi và vợ phải cấy dặm để mật độ phù hợp, giúp lúa sinh trưởng tốt. Trong khi cấy dặm, tôi kết hợp diệt ốc bươu vàng. Tại thửa ruộng của gia đình tôi có khá nhiều ốc bươu vàng sinh trưởng.
Theo cán bộ Trạm Bảo vệ thực vật huyện Kim Sơn: Với thời tiết ấm trong vụ đông vừa qua cộng thêm nguồn dinh dưỡng nhiều nên chuột và ốc bươu vàng sinh đàn nhanh hơn, dẫn đến sức phá hoại cao hơn. Để phòng trừ mối nguy hại này, Phòng Nông nghiệp huyện đã vận động nhân dân các xã tranh thủ ra đồng đổ ải gắn với phát động chiến dịch diệt chuột và ốc bươu vàng từ sớm. Cùng với các biện pháp thủ công, hơn 500 kg thuốc diệt chuột Cat 0,25WP đã được Trạm Bảo vệ thực vật huyện phân bổ đến các xã, thị trấn. 
Đến thời điểm hiện tại, toàn huyện đã tiêu diệt gần 6.000 con chuột và hơn 2.800 kg ốc bươu vàng. Tuy vậy, việc diệt chuột và ốc bươu vàng phải được tiến hành xuyên suốt quá trình sinh trưởng cho đến khi thu hoạch lúa, vì vậy người nông dân cần theo dõi sát sao hai đối tượng này.
Với đặc thù gieo cấy chủ yếu ở trà mùa muộn, sâu bệnh hại lúa tại địa bàn huyện Kim Sơn phát triển muộn hơn so với các địa phương khác. Điển hình như bệnh đạo ôn tại các vụ lúa trước đây, khi dịch bệnh tại các địa phương khác như: Gia Viễn, Nho Quan, Yên Mô... gần kết thúc thì tại Kim Sơn, bệnh dịch mới bùng phát. 
Ông Hoàng Đông Anh, Trạm trưởng Trạm Bảo vệ thực vật huyện cho biết: Thời gian này, tôi cùng các cán bộ của Trạm đã đến các địa phương để trực tiếp nắm bắt tình hình sinh trưởng và phát triển của lúa cũng như nắm chắc tình hình sâu bệnh, đồng thời trao đổi với các HTX nông nghiệp để triển khai các biện pháp chăm sóc lúa trong thời gian tiếp theo. Ngoài các sâu bệnh thường gặp trong các vụ, cần đặc biệt lưu ý và theo dõi chặt chẽ đến bệnh đạo ôn và rầy nâu, hai đối tượng chính gây hại lúa.
Bên cạnh việc phòng trừ sâu bệnh, việc bón phân cân đối và hợp lý cũng là một yếu tố quan trọng. Ông Đỗ Hải Quang, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện cho biết: Một lợi thế trong vụ đông xuân này ở Kim Sơn là 100% diện tích được để ải. 
Người xưa có câu “Hòn đất nỏ, một giỏ phân” nói lên công dụng của tập quán cày và phơi ải. Bởi khi cày lật đất, để ải nỏ, khí trong đất được cải thiện, không tích tụ độc tố, sau cấy quá trình khoáng hóa nhanh hơn, chỉ cần bón một lượng phân hợp lý là lúa sinh trưởng và phát triển tốt. 
Phòng cũng đã có thông báo lưu ý cho bà con nông dân bón cân đối N-P-K và bón nặng đầu, nhẹ cuối, bón lót sâu để đất có tiếp xúc nhiều hơn với phân khi bón, keo đất giữ được phân bón, hạn chế rửa trôi và bay hơi. Lúa xuân có đặc điểm vừa trổ, vừa tốt, nhất là khi có mưa rào, do vậy không nên bón muộn về sau, vừa tốn, lãng phí và hiệu quả đôi khi lại ngược lại. Đến nay huyện Kim Sơn đã cơ bản hoàn thành việc bón thúc đợt 1.
Điều kiện thời tiết những ngày gần đây diễn biến khá phức tạp, mưa rét xen lẫn những ngày trời nắng, thêm vào đó là chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm lớn đã ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình sinh trưởng và phát triển của lúa, nên lúa phát triển chậm.
Chính vì vậy, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện khuyến cáo bà con nông dân cần thực hiện đúng theo kế hoạch sản xuất mà huyện và HTX đã đề ra, theo dõi chặt chẽ tình hình sâu bệnh, báo cáo kịp thời tới các HTX nông nghiệp tại địa bàn để có biện pháp phòng trừ kịp thời.
Theo baoninhbinh.org.vn
 
 
Một cửa điện tử
Văn bản điện tử
Bình chọn

Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?

Thống kê truy cập

Lượt truy cập: 1400020

Trực tuyến: 50

Hôm nay: 1942