Trang Thông tin điện tử

Huyện Kim Sơn

Thứ sáu, 19/04/2024

Chào mừng bạn đến với Trang thông tin điện tử huyện Kim Sơn

Tạo sức bật từ chương trình OCOP

Thứ năm, 06/01/2022 430 lượt xem

Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế ở mỗi địa phương theo hướng nội lực và gia tăng giá trị. Đây cũng được coi là một trong những giải pháp quan trọng trong thực hiện mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM. Tại Kim Sơn chương trình đã và đang được tập trung triển khai thực hiện khai thác tiềm năng, thế mạnh sẵn có của địa phương để phát triển sản phẩm đặc trưng mang thương hiệu OCOP.

 

Sản phẩm Giỏ đay Hiếu Lâm của công ty TNHH Hiếu Lâm, xóm 3, xã Thượng Kiệm được lựa chọn là 1 trong 7 sản phẩm tiêu biểu của địa phương tham gia chương trình OCOP năm 2021. Sản phẩm được thiết kế mẫu mã đa dạng, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng, tận dụng được nguồn nguyên liệu sẵn có, nguồn lao động địa phương dồi dào, có kinh nghiệm lành nghề. Sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP đạt hạng 4 sao, qua đó sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho sản phẩm có mặt ở nhiều thị trường tiềm năng trong và ngoài nước. Ngoài giỏ đay, hiện công ty sản xuất hơn 100 sản phẩm thủ công được chế biến từ cói, bèo bồng, mỗi năm xuất bán trên 50 nghìn sản phẩm chủ yếu sang thị trường các nước Châu Âu, Châu Mỹ, Châu Á…

Hội nghị đánh giá các sản phẩm OCOP năm 2021

 

Xác định chương trình OCOP “ Mỗi xã, phường một sản phẩm” có ý nghĩa trong phát triển kinh tế - xã hội. OCOP tạo ra các sản phẩm dịch vụ có chất lượng phục vụ phát triển du lịch địa phương, góp phần nâng cao thu nhập tạo công ăn việc làm, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân và thực hiện có hiệu quả nhóm tiêu chí “Kinh tế và hình thức tổ chức sản xuất” trong xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, làm thay đổi tập quán sản xuất lạc hậu, hướng người dân vào kinh tế thị trường, tạo ra hướng đi mới trong sản xuất kinh doanh các sản phẩm truyền thống có lợi thế ở khu vực nông thôn góp phần tái cơ cấu kinh tế nông thôn. Chương trình cũng góp phần làm giảm việc di dân từ nông thôn ra thành phố, thực hiện có hiệu quả tinh thần “Ly nông, bất ly hương”.

 

Từ năm 2019 khi bắt đầu triển khai thực hiện Chương trình OCOP, UBND huyện đã giao phòng NN&PTNT huyện phối hợp với UBND các xã, thị trấn triển khai chương trình OCOP, trong đó chú trọng triển khai đồng bộ các giải pháp, huy động các nguồn lực xã hội triển khai thực hiện hiệu quả chương trình, từ việc thành lập Hội đồng đánh giá sản phẩm OCOP, ban hành các cơ chế chính sách hỗ trợ để phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp và dịch vụ có lợi thế tại các địa phương trên địa bàn huyện. Đồng thời, vận động các chủ thể sản xuất tích cực tham gia OCOP thông qua những việc làm cụ thể, thiết thực như: Hướng dẫn các cá nhân, tổ chức kinh tế lựa chọn ý tưởng, phát triển các sản phẩm OCOP trên cơ sở tiêu chuẩn hóa các sản phẩm hiện có; ưu tiên hỗ trợ chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất; hỗ trợ nâng cấp, hoàn thiện về tổ chức bộ máy của các tổ chức kinh tế, đào tạo nguồn nhân lực, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm; hướng dẫn quy trình, thủ tục và hồ sơ đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP. Nhờ đó, đến tháng 12/2021, trên địa bàn huyện có 11 sản phẩm OCOP được đánh giá, xếp hạng, trong đó, có 6 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 4 sao và 5 sản phẩm đạt 3 sao.

Sản phẩm đặc trưng mang thương hiệu OCOP nhằm khai thác tiềm năng, thế mạnh sẵn có của địa phương

 

Việc tham gia chương trình OCOP, đã khơi dậy được tiềm năng, thế mạnh của các địa phương về sản phẩm nông sản. Từ các sản phẩm đặc thù còn manh mún, quy mô nhỏ lẻ, thị trường tiêu thụ chưa được mở rộng, đến nay các chủ thể tham gia chương trình OCOP đã chú trọng hơn trong việc phối hợp với đơn vị tư vấn để xây dựng, thiết kế mẫu mã bao bì, chất lượng sản phẩm thu hút người tiêu dùng, nâng cao giá trị sản phẩm. Đặc biệt quá trình tham gia đăng ký xây dựng sản phẩm OCOP đã giúp cho các chủ hộ cơ sở sản xuất kinh doanh nâng cao khả năng tổ chức sản xuất, tiêu thụ, năng lực nghiên cứu, phát triển sản phẩm và kỹ năng về thị trường, xây dựng thương hiệu sản phẩm, các sản phẩm đáp ứng được thị hiếu người tiêu dùng.

 

Việc thực hiện chương trình OCOP không chỉ tạo sức bật cho phát triển kinh tế mà còn có tác động tích cực vào kết quả xây dựng nông thôn mới bền vững. Bởi chương trình không chỉ góp phần thực hiện hiệu quả nhóm tiêu chí kinh tế và tổ chức sản xuất trong bộ tiêu chí Quốc gia về xây dựng nông thôn mới, sản phẩm OCOP còn thúc đẩy tích cực phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh trong các doanh nghiệp, Hợp tác xã, cơ sở, làng nghề, từng bước tạo chuyển dịch cơ cấu kinh tế, góp phần mở rộng sản xuất, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho nhân dân.

 

Thời gian tới Kim Sơn tiếp tục phát triển OCOP theo hướng đáp ứng về số lượng, gia tăng về giá trị đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu. Trước hết, tập trung nâng cấp các sản phẩm OCOP đã được đánh giá, phân hạng, tổ chức đánh giá các sản phẩm tiềm năng, phân tích rõ các điều kiện khả năng phát triển của sản phẩm để có biện pháp hỗ trợ phát triển sản phẩm đáp ứng với các tiêu chuẩn của sản phẩm OCOP, trong đó ưu tiên hỗ trợ những sản phẩm đã được đăng ký công bố chất lượng, đăng ký sở hữu trí tuệ, tiếp đó là những sản phẩm lợi thế của địa phương. Các xã, thị trấn trong huyện khảo sát, lựa chọn các sản phẩm đặc trưng đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền các tầng lớp nhân dân đề xuất những ý tưởng về phát triển các sản phẩm, các chủ thể sản xuất áp dụng các tiến bộ KHKT, thực hiện chương trình chuyển đổi số và quảng bá sản phẩm bằng các hình thức phù hợp.

 

Kim Sơn phấn đấu đến năm 2025 có 16 sản phẩm OCOP, việc chú trọng nâng tầm sản phẩm OCOP sẽ giúp nâng cao giá trị hàng nông sản, đưa ngành nông nghiệp phát triển hiệu quả, bền vững, góp phần thúc đẩy kinh tế, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân và chung tay thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM.

 

Nguyễn Chinh

 

Một cửa điện tử
Văn bản điện tử
Bình chọn

Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?

Thống kê truy cập

Lượt truy cập: 1399437

Trực tuyến: 30

Hôm nay: 1359