Trang Thông tin điện tử

Huyện Kim Sơn

Thứ ba, 19/03/2024

Chào mừng bạn đến với Trang thông tin điện tử huyện Kim Sơn

Tuyên truyền pháp luật

 QUYỀN CỦA NGƯỜI PHỤ NỮ TRONG QUAN HỆ NHÂN THÂN GIỮA VỢ VÀ CHỒNG THEO LUẬT HÔN NHÂN VÀ GIA ĐÌNH NĂM 2014
Nhân dịp Kỷ niệm 108 năm ngày Quốc tế Phụ nữ (08/3/1910 - 08/3/2018) Phòng Tư pháp huyện Kim Sơn gửi tới toàn thể chị em Phụ nữ và độc giả Cổng Thông tin điện tử huyện Kim Sơn bài viết về"Quyền của người phụ nữ trong quan hệ nhân thân giữa vợ và chồng"
 
Như chúng ta đã biết, phụ nữ chiếm một nửa nhân loại và là lực lượng lao động quan trọng góp phần phát triển kinh tế - xã hội và thúc đẩy sự tiến bộ của xã hội. Trải qua hàng trăm năm tranh đấu, ngày nay, quyền của phụ nữ đã được thừa nhận và trân trọng trên phạm vi thế giới. Nhiều văn kiện và văn bản pháp luật quốc tế đã xác định và đề cao quyền của phụ nữ, coi đó như là một trách nhiệm của văn minh thế giới. Việc quy định quyền của phụ nữ trong pháp luật là sự ghi nhận về mặt pháp lý đối với vai trò của nữ giới trong xã hội, đây là bước tiến trong sự nghiệp giải phóng con người nói chung và giải phóng phụ nữ nói riêng.
 
Ở Việt Nam, quyền của phụ nữ thực sự được đề cập đến từ khi nhân dân ta giành được độc lập từ tay thực dân phong kiến. Theo đó, những văn bản pháp luật đầu tiên về quyền công dân, trong đó có quyền của phụ nữ được ban hành. Tuy nhiên, trong từng điều kiện, hoàn cảnh của đất nước, nên ở mỗi thời kỳ, các quyền công dân nói chung và quyền của phụ nữ nói riêng được thể hiện và phát triển vừa có tính kế thừa vừa có sự đổi mới. Hiện nay, những quyền cơ bản của phụ nữ được ghi nhận trong Hiến pháp năm 2013 và cụ thể hóa trong các văn bản pháp luật. Theo Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quyền của người phụ nữ trong quan hệ thân nhân giữa vợ và chồng được quy định cụ thể như sau:
 
1. Quyền của người vợ được yêu thương, chung thủy và được chăm sóc, quý trọng
 
a) Quyền được yêu thương, chung thủy, chăm sóc, giúp đỡ, tôn trọng
 
Khoản 1, Điều 19 quy định "Vợ chồng có nghĩa vụ thương yêu, chung thủy, tôn trọng, quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ nhau; cùng nhau chia sẻ, thực hiện các công việc trong gia đình."
 
Quyền được thương yêu, chung thủy của người vợ được thể hiện ở mặt vật chất và tinh thần. Về phương diện vật chất, vợ chồng có nghĩa vụ hợp tác trong việc bảo đảm đáp ứng các yêu cầu sinh hoạt thiết yếu của gia đình, của mỗi cá nhân. Về phương diện tình cảm, vợ chồng phải dành cho nhau sự thương yêu, chung thủy, đùm bọc lẫn nhau trong đời sống hàng ngày, đặc biệt là khi đau ốm, gặp khó khăn.
 
Quyền được chăm sóc, quý trọng, giúp đỡ được thể hiện ở hành vi, cách cư xử và thái độ của người chồng. Đó là sự yêu mến, tôn trọng, lắng nghe ý kiến của người vợ; giữ gìn danh dự, uy tín, nhân phẩm; quan tâm, động viên lẫn nhau và tạo điều kiện để người vợ có khả năng phát huy những điểm mạnh của bản thân.
 
b) Quyền sống chung giữa vợ và chồng
Nghĩa vụ sống chung giữa vợ và chồng được quy định tại Khoản 2 Điều 19. "Nghĩa vụ sống chung" là nghĩa vụ trong quan hệ nhân thân giữa vợ và chồng, phát sinh trên cơ sở hôn nhân hợp pháp. Theo đó, vợ và chồng có quyền và nghĩa vụ tạo lập một cuộc sống chung, một nơi ở chung để xây dựng, bảo vệ chế độ hôn nhân và gia đình hạnh phúc, vững mạnh, tiến bộ. Đây là quy định mới của Luật HN&GĐ năm 2014 nhằm xây dựng một gia đình hạnh phúc theo đúng nghĩa.
 
2. Quyền bình đẳng của người vợ trong việc thực hiện các quan hệ gia đình
 
a) Quyền bình đẳng của vợ đối với chồng trong mối quan hệ với con
 
* Quyền bình đẳng trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục con
Quyền của người mẹ trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục con được thể hiện trong các quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 69 và và Khoản 1 Điều 71; sự bình đẳng của người vợ đối với người chồng thể hiện ở quyền được yêu thương, chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục con, đảm bảo cho con không phải sống trong sự ngược đãi, hành hạ hoặc bị xúc phạm.
 
* Quyền bình đẳng trong việc đại diện cho con
Quyền của người phụ nữ trong việc đại diện cho con được thể hiện trong các quy định tại Khoản 3 Điều 69 và Khoản 1, Khoản 2 Điều 73 của Luật. Theo đó, vợ cùng chồng là người đại diện của con, vợ và chồng có thể thỏa thuận một trong hai người là người đại diện cho con trong các giao dịch dân sự.
 
* Quyền bình đẳng của vợ đối với chồng trong mối quan hệ với con ngoài Luật Hôn nhân và gia đình quy định còn được quy định tại các văn bản pháp luật khác, như: Quyền được họ, tên cho con (Điểm a Khoản 1 Điều 4 Nghị định 123/2015/NĐ-CP ngày 15/11/2015 của Chính phủ về quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch); Quyền đối với việc lựa chọn quốc tịch cho con (Khoản 2 Điều 16 luật quốc tịch năm 2008); Quyền lựa chọn quê quán, tôn giáo, nơi cư trú cho con,...
 
Các quy định trên tạo cho người phụ nữ được đảm bảo quyền bình đẳng đối với người chồng trong mối quan hệ với các con, thúc đẩy sự nghiệp bình đẳng giới.
 
b) Quyền bình đẳng trong việc thực hiện chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình
 
Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 ghi nhận và bảo vệ sự bình đẳng của người vợ trong việc thực hiện chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình tại những quy định mang tính nguyên tắc của Luật. Theo đó, Khoản 4 Điều 2 quy định: "Giúp đỡ các bà mẹ thực hiện tốt chức năng cao quý của người mẹ; thực hiện kế hoạch hóa gia đình". Quyền bình đẳng của người vợ đối với người chồng trong việc thực hiện chính sách dân số thể hiện ở việc: Người vợ có thể cùng người chồng quyết định việc sinh con hay không, số lần sinh con, thời gian sinh con, có quyền được lựa chọn các biện pháp kế hoạch hóa gia đình, không chỉ áp dụng biện pháp tránh thai đối với người vợ mà còn cả đối với người chồng, để đảm bảo an toàn, sức khỏe cho người vợ.
 
c) Quyền đại diện của người vợ
Trong cuộc sống gia đình, để đảm bảo cho những nhu cầu của gia đình đòi hỏi vợ, chồng phải tham gia các giao dịch dân sự. Việc người vợ được phép đại diện cho người chồng tham gia những giao dịch dân sự phát sinh trên cơ sở ủy quyền của người chồng.
 
Bên cạnh đó, quyền đại diện của người vợ cũng được đặt ra khi người chồng bị mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự. Quyền đại diện mang lại cho người vợ sự tự quyết, sự bình đẳng đối với người chồng trong các giao dịch dân sự cũng như tạo cơ chế đồng bộ trong việc bảo vệ quyền của người phụ nữ dưới góc độ bình đẳng giới. Theo các căn cứ xác lập quyền đại diện tại Khoản 2, Khoản 3 Điều 24 và những quy định bổ sung về quyền đại diện giữa vợ và chồng tại Khoản 1 Điều 25 và Khoản 1 Điều 26. Việc quy định người vợ có quyền đại diện cho người chồng xét ở góc độ giới, đó là sự đảm bảo bình đẳng về quyền và cơ hội cho người phụ nữ, tạo điều kiện đảm bảo thực hiện bình đẳng giới thực chất giữa vợ và chồng trên thực tế.
 
d) Quyền của người vợ trong việc thực hiện trách nhiệm liên đới của vợ, chồng
Theo quy định tại Khoản 1, khoản 2 Điều 27, trách nhiệm liên đới giữa vợ và chồng phát sinh khi một bên thực hiện các giao dịch đáp ứng nhu cầu cần thiết hoặc các giao dịch khác vì lợi ích chung của gia đình phù hợp với quy định của pháp luật.
 
Quyền của người phụ nữ trong việc thực hiện trách nhiệm liên đới được thể hiện ở việc khi người vợ thực hiện các giao dịch đáp ứng nhu cầu cần thiết hoặc các giao dịch khác vì lợi ích của gia đình, cũng như việc thực hiện các nghĩa vụ chung về tài sản của vợ chồng, chẳng hạn như nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch do vợ chồng cùng thỏa thuận xác lập, nghĩa vụ bồi thường thiệt hại mà theo quy định của pháp luật vợ chồng cùng phải chịu trách nhiệm, nghĩa vụ bồi thường thiệt hại do con gây ra... được thừa nhận là phù hợp với quy định pháp luật, người chồng không thể tuyên bố các giao dịch này là vô hiệu. Trong trường hợp tài sản chung của vợ chồng không đủ để thanh toán nghĩa vụ thì vợ chồng phải chịu trách nhiệm bằng tài sản riêng của mỗi người.
 
Quy định về trách nhiệm liên đới của vợ và chồng khắc phục được tình trạng thường xảy ra trên thực tế: Đó là sự thờ ơ, vô trách nhiệm của người chồng đối với công việc gia đình. trách nhiệm liên đới của vợ và chồng là một quy định rất quan trọng và cần thiết, nhằm ràng buộc trách nhiệm giữa vợ và chồng với nhau, vừa đảm bảo cuộc sống gia đình vừa đảm bảo quyền lợi của người thứ ba khi tham gia giao dịch do một bên vợ hoặc chồng thực hiện.
 
e) Quyền được lựa chọn nơi cư trú
Điều 20 Luật hôn nhân gia đình quy định:"Việc lựa chọn nơi cư trú của vợ chồng do vợ chồng thỏa thuận, không bị ràng buộc bởi phong tục, tập quán, địa giới hành chính". Quyền lựa chọn nơi cư trú của người phụ nữ là một nội dung trong quyền nhân thân của người phụ nữ trong quan hệ giữa vợ và chồng và sự ghi nhận bằng pháp luật quyền bình đẳng của người vợ trong việc lựa chọn nơi cư trú là cơ sở pháp lý quan trọng giúp người phụ nữ thoát khỏi ảnh hưởng của tư tưởng phong kiến, phong tục, tập quán lạc hậu, giúp họ có được sự "độc lập" trong gia đình.
 
f) Quyền được lựa chọn nghề nghiệp, học tập và tham gia các hoạt động kinh tế, chính trị, xã hội
Điều 23 Luật Hôn nhân và gia đình quy định như sau: "Vợ, chồng có quyền, nghĩa vụ tạo điều kiện, giúp đỡ nhau chọn nghề nghiệp; học tập, nâng cao trình độ văn hóa, chuyên môn, nghiệp vụ; tham gia hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội" Đảm bảo sự bình đẳng của người vợ trong việc lựa chọn nghề nghiệp, học tập và tham gia các hoạt động kinh tế, chính trị, văn hóa xã hội chính là tạo điều kiện để người vợ tham gia vào đời sống xã hội, tạo cho người vợ vị thế bình đẳng, ngang quyền với người chồng trong đời sống gia đình và xã hội cũng như là căn cứ để đảm bảo quyền lợi của người vợ, góp phần vào sự nghiệp giải phóng phụ nữ.
 
g) Quyền được tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo
Điều 22 của Luật quy định về quyền tự do, tín ngưỡng, tôn giáo như sau: "Vợ, chồng có nghĩa vụ tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhau"
 
Như vậy, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người phụ nữ xuất phát từ nhóm quyền cơ bản của công dân, được pháp luật ghi nhận và bảo đảm thực hiện. Đây cũng là một nội dung về giải phóng phụ nữ và đảm bảo về bình đẳng giới.
 
h) Quyền của người vợ trong việc ly hôn
Khoản 14 Điều 3 quy định: "Ly hôn là việc chấm dứt quan hệ vợ chồng theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án"
 
Việc bảo vệ quyền của người vợ trong ly hôn được thể hiện ở những nội dụng sau:
 
* Quyền được yêu cầu ly hôn
Điều 51 quy định về quyền yêu cầu Tòa án giải quyết việc ly hôn. Theo đó, quyền của người vợ trong việc yêu cầu ly hôn được thể hiện ở những nội dung sau:
 
Thứ nhất, người vợ có quyền được yêu cầu ly hôn trong cả hai trường hợp: Thuận tình ly hôn theo quy định tại Điều 55 và ly hôn do một bên vợ yêu cầu tại Điều 56 của Luật.
 
Thứ hai, quy định về trường hợp cha, mẹ, người thân thích khác trong gia đình có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn. Đây là quy định mới của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 và có ý nghĩa thiết thực trong bảo vệ quyền của người phụ nữ, trong trường hợp khi người vợ là nạn nhân của bạo lực gia đình do người chồng gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe và tinh thần cho người vợ thì cha mẹ, người thân thích của người vợ có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn.
 
Thứ ba, quy định về hạn chế quyền yêu cầu ly hôn của người chồng. Trong trường hợp người vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi thì người chồng không được yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn. Mục đích của quy định này là gắn trách nhiệm của người chồng trong việc tạo điều kiện cho người vợ thực hiện chức năng làm mẹ. Tuy nhiên, khi quan hệ vợ chồng đã trở nên phức tạp và chỉ làm cho người vợ thêm đau khổ thì người vợ có yêu cầu xin ly hôn thì Tòa án vẫn thụ lý đơn yêu cầu xin ly hôn của người vợ và giải quyết ly hôn theo quy định chung.
 
* Quyền trực tiếp nuôi con khi ly hôn
Được quy định tại Khoản 2, khoản 3 Điều 81 Luật Hôn nhân và gia đình. Đây là quy định thể hiện quyền ưu tiên nuôi con về phía người mẹ trong trường hợp ly hôn - đảm bảo thiên chức làm mẹ của người phụ nữ.
 
* Quyền của người mẹ trong việc thăm nom con sau khi ly hôn
Được quy định tại Khoản 3 Điều 82 của Luật Hôn nhân và gia đình. Quy định này không những tạo cho người phụ nữ được thực hiện quyền của mình mà còn đảm bảo cho người con được hưởng sự quan tâm, chăm sóc của mẹ cho sự tăng trưởng và phát triển của con cái.
 
Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 là cơ sở pháp lý quan trọng trong việc xây dựng, hoàn thiện và bảo vệ chế độ hôn nhân và gia đình tiến bộ xây dựng chuẩn mực pháp lý cho cách ứng xử của các thành viên trong gia đình, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các thành viên trong gia đình, kế thừa và phát huy truyền thống đạo đức tốt đẹp của gia đình Việt Nam. Đặc biệt, các quy định về nhân thân của vợ chồng trong Luật về cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn hiện nay và quan trọng hơn là đã tạo cho người phụ nữ có những cơ sở pháp lý để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình trong quan hệ nhân thân với người chồng, đấu tranh chống lại những hành vi xâm phạm đến quyền lợi của mình.
 
Mặc dù thực tế vẫn còn tồn tại một số vướng mắc từ cơ chế pháp lý cũng như quan niệm xã hội nhưng người phụ nữ cần hiểu biết quyền lợi của mình, bổn phận của mình và đóng góp to lớn cho việc xây dựng, phát triển, gìn giữ tổ ấm của mình, đóng góp lợi ích vật chất to lớn cho xã hội.
 
 

Lê Thành Nhân - Phòng Tư pháp

Một cửa điện tử
Văn bản điện tử
Bình chọn

Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?

Văn bản mới
Thống kê truy cập

Lượt truy cập: 1324895

Trực tuyến: 26

Hôm nay: 2221